Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
“Có hẹn với thanh xuân” - Khúc trữ tình của Cao Vĩ Nhánh



Cao Vĩ Nhánh là cây bút sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Nẫu - Phú Yên. Nhà văn có bút danh Sông Ba ấy thường viết về thể loại tản văn, thơ và bút ký. Nhà văn mến thương Đà Lạt vừa cho ra đời “đứa con đầu lòng" mang tên “Có hẹn với thanh xuân". Khi đặt bút viết những dòng này, tôi như vừa được đắm mình trong hồi ức thanh xuân đẹp đẽ của không chỉ riêng tác giả mà của bất kỳ ai đã và đang đi qua những năm tháng tuổi trẻ của đời người.

Biển trời ký ức ấy được gói ghém trong 24 tản văn không ngắn cũng chẳng dài nhưng đủ để gợi cho người ta thèm thuồng níu tay về một đoạn đường đời đầy kỷ niệm, nơi đó có tình yêu quê hương, gia đình, hay cả tình yêu đôi lứa. Những đề tựa vừa lướt qua đã in sâu trong trí nhớ bởi sự nhẹ nhàng, sâu sắc và khiến người ta phải dừng lại một nhịp để chiêm nghiệm, nhớ nhung: Diễm của những ngày xưa, Có sợ tóc nào bay trong trí nhớ nhỏ nhoi, Mẹ và dòng sông, Có hẹn với Đà Lạt,...


403617082_3830216383931561_6856532164001053339_n2.jpg

Tập tản văn "Có hẹn với thanh xuân" của Cao Vĩ Nhánh


Đâu phải tự dưng tôi nói Vĩ Nhánh là “nhà văn mến thương Đà Lạt". Ngay đoạn đầu tiên của Có hẹn với Đà Lạt đã minh chứng rõ ràng “Tôi không nhớ nổi đã bao lần lên Đà Lạt…". Dù cho nhân vật “tôi" ấy có phải là tác giả hay không, tôi vẫn tin rằng, Vĩ Nhánh đã nhiều hơn một lần đến với thành phố mộng mơ “nằm nghe khói tỏa" và hơn thế nữa, anh với nơi đây còn vấn vương bao kỷ niệm với những cơn mưa, làn khói, với những đóa dã quỳ rực rỡ. Bởi, người ta chẳng thể viết về một thứ gì đó chân chất, chi li nếu chưa một lần từng trải. Đà Lạt là một phần thanh xuân của tác giả, của bao cặp tình nhân, hay cũng có thể là một kẻ ưa chu du nào đó.

Đọc Diễm của những ngày xưa tôi cảm được một niềm say mê của Cao Vĩ Nhánh với cuộc đời và những câu chuyện của Trịnh (Trịnh Công Sơn). Niềm say mê ấy không đơn thuần chỉ là thích thú mà hơn thế nữa là sự nhọc công tìm tòi, chắt lọc tinh túy từ những nhà nghiên cứu, những dữ liệu quý báu về Trịnh. Điều ấy hòa với giọng văn nhẹ nhàng nhưng đầy cuốn hút của tác giả đã kết tinh một tản văn phác họa những điều thú vị về người con gái tên Diễm, về ca khúc Diễm xưa với những nhớ thương, khắc khoải của Trịnh, với một mối lương duyên thật đẹp nhưng dang dở trong thực có mơ, trong mơ có thực bởi những rào cản gia đình… Từ ấy, Vĩ Nhánh còn bày tỏ niềm xa xót, cảm thương cho mối tình của đôi trai gái. Tôi đọc tác phẩm và một câu hỏi bỏ ngỏ, liệu rằng có sợi dây “đồng cảnh" nào giữa tác giả và cố nhạc sĩ hay chăng?

Đọc Tên một cơn mưa tôi chợt nhớ về lần đầu tiên gặp Cao Vĩ Nhánh tại mảnh đất Sài thành dưới một chiều trời trút nước. Vĩ Nhánh bảo hình như anh có duyên với những cơn mưa. Khi đọc “Có hẹn với thanh xuân", tôi bắt gặp nhân vật “anh" đôi phần có điểm tương đồng với tác giả. “Anh" có duyên với mưa, mưa như tấm gương soi chiếu những cảm xúc của “anh" giữa chốn phồn hoa bậc nhất về những kỷ niệm vui có, buồn có. Những kỷ niệm ấy có hình bóng của “em". Trớ trêu thay “em" lại gắn với những cơn mưa quê, nơi mà “anh" thỉnh thoảng mới trở về. Chính vì thế, “anh đem mưa quê vào những giấc mơ" để thương, để nhớ, để khát khao ngày trở về dưới cơn mưa rì rào có em đứng đợi. Tác phẩm như tăng dần từng nhịp cảm xúc khi yêu của chàng trai, đâu đó có chút man mác buồn buồn dễ khiến người đọc bứt rứt về một khoảng cách vô hình nào đó trong mối quan hệ mơ màng.

“...Và cả anh của ngày hôm qua nữa, có khác chi em. Tiếng yêu cứ lần khần mãi không bật ra thành lời. Hình như chữ yêu nghe tội lỗi đầy mình và nghe như yêu rồi thì không cách gì mà hàn gắn nhau lại. Có buồn cười không cả anh và em chỉ vì không dám nói ra lời thương mà thành lỡ nhịp…". Ôi cái giọng văn nghe sao mà xót xa quá chừng trong đề tựa Có sợi tóc nào bay trong trí nhớ nhỏ nhoi. Có những khúc tản văn đọc xong cứ bồi hồi, thơ thẩn. Cái tính chân tình mà nhút nhát của chàng “anh" đáng thương hay là đáng trách?

Tôi đọc Con tàu và sân ga mới thấy những quan sát tinh tế thấm đẫm tình người, mà cao cả là tình mẹ con của Cao Vĩ Nhánh. Ấy, thanh xuân chắc hẳn ai cũng một lần sụt sùi, bịn rịn thời khắc phải rời vòng tay của mẹ cha để bước lên chuyến tàu, một mình đến với nơi xa xôi, lạ lẫm để thực hiện những ước mơ. Rồi ở quê nhà, có những người mẹ “thừa biết con gái đến với thành phố rộng lớn, rực rỡ ánh đèn, văn minh hơn ở quê sẽ được trang bị bao nhiêu điều lớn lao, khoảng cách của hai mẹ con chỉ vài trăm cây số và trong vài tháng…" nhưng sao vẫn đau đáu nhớ thương, lo lắng.

Lướt qua một vài tản văn điển hình trong cuốn tản văn ấp ủ bấy lâu của Cao Vĩ Nhánh, ai đã từng trải qua những năm tháng thanh xuân sẽ thầm ước ao một “chiếc vé" ngược thời gian để trở về. Ai đang trong độ tuổi thanh xuân sẽ càng trân quý và cố gắng tô vẽ thật trọn vẹn bức tranh tuổi trẻ để không phải xót xa, tiếc nuối. Và những cô cậu đang ngấp nghé trước thềm thanh xuân chắc hẳn rất nôn nao để đắm mình trong dòng chảy mát lành, tuyệt diệu có tình người, tình thương, tình yêu đầu đời chớm nở…

Đúng như Nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn đã viết trong lời tựa của cuốn sách; khi đọc Cao Vĩ Nhánh ít thấy những suy tư sốt ruột, anh cứ nhẹ nhàng nhìn ngắm từng khoảnh khắc diễn ra theo đúng quy luật. Anh lặng lẽ vỗ về từng câu chuyện. Cái nhạt nhòa trước mắt đôi khi trở thành cái cựa quậy trong tim. Tác giả cứ bám lấy ký ức, nâng niu ký ức rồi tái sinh ký ức để rồi góp vào văn chương những tản văn đầy phong vị trữ tình.

Nhà văn, Tiến sĩ Phạm Ngọc Hiền còn có lời bạt: “...Cao Vĩ Nhánh vẫn luôn giữ được cảm xúc trữ tình tươi trẻ khi Có hẹn với thanh xuân. Cái nhìn thắm thiết tình nồng ấy thể hiện qua tất cả các đề tài: quê hương và mái trường, người mẹ và người yêu, phong vị cảnh sắc các vùng… Nó được thể hiện qua những từ ngữ mộc mạc, qua giọng văn giàu cảm xúc, nhạc điệu. Những câu văn ngắn nảy lên những thanh âm trong trẻo giữa cuộc sống xô bồ, làm nảy nở trong ta cảm xúc yêu đời, yêu người".​


Lê Trương Thúy Diễm
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​