Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NHỮNG KHOẢNH KHẮC

​Hôm ấy, bác Lãm gọi điện thoại về lúc giữa trưa. Có lẽ ở bên ấy đang là nửa đêm.

- A lô, bác Lãm đây. Đứa nào đấy, con Tư à?

- Dạ. Tôi đáp, lòng ngờ ngợ chắc bác đã biết ba tôi bị bệnh nặng. Thường một năm bác chỉ gọi về vài lần, vào ngày tết hoặc ngày giỗ ông bà mà thôi.

- Mày là con Tư đó hả? Mày đã lấy chồng chưa?

Tôi lại dạ. Hình như bác luôn sát cánh với ba mẹ tôi trong những chuyện “đại sự" của gia đình, dù ở cách đây hẳn nửa vòng trái đất. Ở đất Mỹ vốn quan niệm rất thoáng về hôn nhân, vậy mà bác cứ chăm chắm chuyện dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái của chúng tôi; như thể không có bác thì không xong việc được vậy.

- Hồi Tết ba mày bảo cuối năm nay mày cưới chồng, bác về vui luôn thể. Thế mà bác chưa kịp về thì ba mày đã có chuyện - Giọng nói của bác vẫn rõ mồn một, nghe là biết bác đang nóng lòng, sốt ruột - Tết năm trước bác bảo bác về thì cứ cản… Mà chúng mày cũng thế, chẳng báo nhắn gì lấy một câu…

Giọng nói của bác riết róng, vừa thương vừa trách. Giờ thì tôi đã hiểu, ba tôi lấy chuyện cưới xin của tôi nói với bác để bác không phải lo về năm trước, sợ bác phiền phức, tốn kém. Nhà có mười mấy anh em, chỉ còn tôi chưa lập gia đình. Từ lâu tôi cũng chẳng còn nghe ba mẹ bàn chuyện ấy nữa. Gần bốn mươi tuổi đầu rồi. Thế mà bác vẫn tin lời ba mẹ tôi.

***

nhưng khoanh khac 1 - Phạm Công Hoàng.jpg

Minh họa:  Phạm Công Hoàng

Như thế lại hoá hay. Nhờ chuẩn bị trước cả năm, nên vừa hay tin ba tôi đau não nặng, bác có tiền về ngay. Cái tin bác Lãm sẽ về Việt Nam trong vòng hai tuần nữa đã giúp ba tôi hồi tỉnh. Thật ra ba tôi bị ung thư giai đoạn cuối, nhưng cả nhà đều giấu ông. Giữa những cơn đau đớn mê man, gương mặt ông hồng trở lại. Ông thều thào: “Ba tin là ba sẽ chờ được bác Lãm. Nhất định hai tuần nữa bác về sẽ gặp ba!". Mấy ngày sau, ba tôi đã hoàn toàn tỉnh táo. Nằm trên giường bệnh, ông nhịp nhịp những ngón tay khô gầy tóp mà nói một mình: “Thế là bác Lãm đã có cháu nội rồi. Con thằng Long đấy, kháu khỉnh lắm cơ. Mà tình duyên của chúng nó cũng hay lắm nhé! Bác Lãm nhờ người mai mối, mấy năm trước đưa thằng Long về Việt Nam. Lần đầu tiên chúng nó gặp nhau là tại sân bay Tân Sơn Nhất, thằng Long vừa đi vừa ôm tấm bảng: “Tìm em Duyên". Nhìn thấy một cô gái mặc áo dài xanh, đang thẹn thùng đứng im, nó đánh bạo hỏi: “Duyên phải không? Khoẻ không em?" Thế mà thành vợ thành chồng... Nhớ lại ngày ấy, mẹ và ba...

Ba tôi cứ lẩm nhẩm với nụ cười héo hắt, nhưng ánh mắt thì dường như đang dò ý tứ của tôi. Tôi tảng lờ, khẽ vuốt ve những sợi râu bạc trên cằm ông, và biết chắc chẳng bao giờ ông phản đối sự âu yếm ấy. Thật là bàng hoàng cho tất cả mọi người, chẳng ai ngờ một người hay nói hay cười như ba tôi đã phải vật lộn với những cơn đau đầu mười mấy năm trời, mà chẳng nói cho ai biết.

Hết kể chuyện, ông lại nằm suy tính, rồi thúc hối con cái gọi thợ sửa chữa nhà cửa, bếp nước, dọn dẹp vườn tược. Ông còn không quên dặn dò tôi lo quần áo, giày dép các cháu cho sạch sẽ, tươm tất, kẻo bác Lãm về lại tưởng gia đình tôi còn khổ quá.

Ba tôi không có anh chị em, ông bà nội mất sớm nên ông bác đưa về nuôi nấng. Vì vậy, bác và ba tôi đã sống bên nhau từ tấm bé. Ba tôi nói bây giờ bác vẫn rất nghèo, tuy đối với những người trong họ và hàng xóm láng giềng, bác là một “Việt kiều" chính hiệu. Ngày ấy, bác bị gọi đi lính, còn ba tôi lại nối nghiệp ông bác lam lũ vườn tược. Đến khi bác đi học tập cải tạo về, nhà không có cái ăn, ba mẹ tôi lại giúp bác gầy dựng cuộc sống từ đầu. Vậy mà cuối cùng, bác lại ra đi. Lúc đi Mỹ tuổi bác đã cao, lại không có trình độ nên kiếm sống rất vất vả, thường phải đi quét trường học và nhà thờ, hoặc khá hơn là bán một số thứ rẻ tiền cho bà con người Việt. Tôi đã từng cắc cớ hỏi, thế thì tại sao bác lại phải đi đến đất khách quê người làm gì. Ba tôi xua tay: “Cái đó không phải tại bác, bác chiều theo bác gái mà…"

Nếu tôi nhớ không lầm thì mấy năm bác đi học tập cải tạo, bác gái theo người ta đi buôn đường dài, rồi bị gã nhân tình hờ lừa hết tiền bạc, thua lỗ không còn tiền mua gạo cho các anh chị. Ngày ấy tôi không còn nhỏ lắm, nhưng do không thích cách nói chuyện của bác gái nên chẳng gần gũi bao nhiêu. Chỉ biết là ngày bác Lãm trở về, nhìn gia cảnh bốn bề trống hoác, con cái đói rách, bác đã không trách bác gái lấy một lời, mà còn xin lỗi, an ủi vợ con, rồi theo ba tôi đi trồng trọt kiếm sống.

Càng gần ngày bác về, ba tôi càng khoẻ lại, khiến bác sĩ yên tâm cho về nhà mấy hôm. Ba tôi về nhà hôm trước thì hôm sau bác xuống máy bay. Bác gái và chị con dâu cũng về, bế theo đứa cháu nội mới hơn một tuổi. Về thăm hỏi gia đình tôi một lúc là chị xin phép đón xe về Bến Tre ngay.

Cả gia đình tôi vui như tết. Con cái trong nhà về hết, đưa cả chồng, cả vợ cả con về, bày tiệc, phân chia bánh trái, trò chuyện rôm rả. Mười mấy đứa cháu được dịp nô đùa trong khu vườn rộng, la hét inh ỏi, mặc cho người lớn ngăn cấm cách nào đi nữa. Nhờ biết sống căn cơ, chịu khó làm lụng mà ba mẹ tôi còn giữ được mảnh đất rộng hơn hai sào cho con cái, trong khi nhiều nhà trong khu đã phân lô bán gần hết. Hai bác nhăn mặt nhìn ba tôi, vẻ kính phục. Người khỏe mạnh còn không chịu đựng nổi cảnh này, đừng nói gì đến người đau thần kinh nặng. Ba tôi nằm lọt thỏm trong chiếc ghế bố, mỉm cười mãn nguyện, thỉnh thoảng lại nhờ tôi trở người lại cho đỡ mỏi.

Tiệc tàn đã quá trưa. Anh chị em tôi sai bảo con cái dọn dẹp xong, tìm chỗ nghỉ ngơi. Bọn trẻ rủ nhau đi đâu hết, có lẽ là đi bấm điện tử. Cả nhà yên ắng trở lại. Khoảng sân và khu vườn vắng lặng. Sau một hồi gió thổi mạnh, trời đã nổi cơn mưa. Tôi trải giường rồi mời hai bác đi nghỉ. Bác gái mệt lả, nói thêm vài câu rồi đi ngủ mất.

Lúc ấy, bác Lãm rời cái ghế đặt bên cạnh ba tôi. Ông đã ngủ, sau khi uống thuốc giảm đau. Tự bác cầm một cái ghế khác ra cửa ngồi ngắm mưa. Tôi đi đóng cửa sổ cho bớt gió. Bác có ý chờ tôi xong việc, mới vẫy tôi ra ngồi cạnh bác.

Tôi thật sự e ngại, vì không thân bác lắm. Anh chị em tôi thương và quý bác như người ruột thịt, nhưng đó là trước kia. Đó là những đứa khác kìa, còn tôi, chẳng giúp gì cho bác những ngày tháng rất khốn khó xưa, nên bây giờ thấy bác ở Mỹ về lại tìm cách gần thì kỳ lắm. Bất đắc dĩ, tôi đến ngồi cạnh bác. Đằng nào thì tôi cũng có phận sự phải coi chừng giấc ngủ cho ba, đó là cam kết tự nguyện của tôi, bởi chỉ còn mình tôi là son rỗi.

- Lại đây nói chuyện với bác một lát. Làm gì mà cứ phải tỉ mẩn như thế hả cháu?

- Dạ.

- Lần này hai bác về gấp quá, định mua cho cháu cái áo cưới bên ấy về làm quà, mà rồi lại không mua được. Cháu đừng buồn nhé, để sau này hai bác sẽ bù đắp cho cháu…

- Ôi bác, làm gì có chuyện cưới hỏi đâu mà bác phải bận tâm. Bác không mua là đúng đấy ạ.

- Thế à? Ừ, bây giờ ba cháu đau nặng, biết thế nào mà lo. Thì cứ chờ thêm một thời gian nữa, cháu nhỉ.

- Dạ.

Bác nói vô tư đến không ngờ. Tôi không thể hiểu được bác bị lãng tai, hay bác tin như thế... Bác vẫn ngắm nhìn mưa, còn tôi lặng lẽ và kín đáo ngắm nhìn bác. So với lần về nước cách đây năm năm, bác có vẻ trẻ hơn trước, mập mạp hồng hào hơn. Dáng điệu của bác trước kia hơi chậm chạp, lại dềnh dàng như con gấu bên cạnh ba tôi nhỏ thó và mau mắn. Song bây giờ bác lại có vẻ nhanh nhẹn hơn cái tuổi bảy mươi rất nhiều. Đuôi mắt của bác thật nhiều nếp nhăn, và đặc biệt cái bụng rất là thon thả. Có lẽ đó là dấu hiệu của một sức khỏe có được nhờ lao động. Ba tôi mới có hơn tháng nằm viện mà thân xác tóp xọp lại như đứa bé mười hai mười ba tuổi, đầu bạc trắng. Tôi quay lại, ba vẫn ngủ, khóe môi khẽ rung động khiến tôi có cảm giác cơn đau đang trở lại cái đầu bé nhỏ của ông.

- Hôm nay gặp cơn mưa này bác nhớ ngày xưa quá. Ngày xưa các cháu còn rất bé, không nhớ gì đâu. Mỗi lần trời mưa to, ba cháu dẫn bác ra bắt cóc, bắt chuột đồng về làm món ăn, vì ngày ấy làm gì có tiền mà mua thịt. Có lần, còn bắt được cả một con rắn to nữa. Nhưng bác chân yếu tay mềm, lại hay hoảng, ba cháu nhỏ người, nhanh nhẹn, không biết sợ là gì. Chính tay ông bắt rắn về, lột da xào nấu thơm phức rồi mà bác vẫn không dám ăn nữa. Nghĩ lại, tội ba cháu quá. Vậy mà bây giờ ông ấy nằm đây, đánh chết cũng không chạy được…

Bác nói, tôi thấy mắt bác rươm rướm ướt. Ngay cả cái tật mau nước mắt này, có lẽ bác và ba tôi cũng giống nhau. Tôi ngồi im, đan những ngón tay vào nhau, ra chiều suy nghĩ. Nhưng tôi chẳng nghĩ được gì, chỉ thấy ngoài trời, mưa ào ạt như khóc như than. Ngoài tiếng mưa rơi, tất cả đều im lặng.

- Suýt nữa thì bác không về được đâu. Bây giờ người ta kiểm duyệt gắt gao lắm, vì cuộc khủng bố ngày 11/9, rồi đủ thứ dịch bệnh. Bác cũng phải chầu chực mãi mới lấy được vé máy bay. Bác cứ sợ mình về muộn. Gặp được mặt ba cháu, thấy ông vui vẻ thế này là bác mừng lắm rồi. Đúng là ông trời còn run rủi thương cho bác. Mình đã nghèo về vật chất rồi mà còn nghèo về tinh thần thì khổ lắm.

Tôi có cảm tưởng, ngồi trước mặt tôi không còn là ông bác Việt kiều sang trọng nữa, mà là một ông già Việt Nam chính cống. Nhưng do bản tính dè dặt, tôi chẳng biết nói gì với bác. Bác tiếp tục thì thầm nhiều câu chuyện mà tôi cũng chẳng chú ý lắng nghe, vì bác toàn gợi lại những chuyện tôi nghe ba kể đã nhiều lần. Chẳng hiểu vì sao mà hai ông già kể chuyện giống nhau thế, tôi cũng chẳng biết thực hư thế nào. Ba tôi vốn có khiếu ăn nói, còn ở bác rõ ràng là không. Nhưng dù vụng về, bác vẫn gợi đúng câu chuyện mà ba đã từng…

- Hôm ấy, bác đang lái xe thì đài báo tin có một cơn lốc xoáy từ ngoài biển đổ vào. Thế là đồng loạt xe cộ dừng lại hết, mọi người chạy vào những trạm nghỉ hai bên đường. Còn bác cố chạy thêm một quãng nữa, vì nhà bác không còn xa nữa. Nhưng không ngờ lốc kéo đến dữ dội ngay trên đầu bác. Gió đẩy dạt xe bác, không sao điều khiển được nữa. Mấy chiếc xe đằng trước bác cũng quay cuồng xiên xẹo trên đường cao tốc. Người trong xe tìm cách mở cửa xe để thoát ra ngoài. Bác thấy người ta bám vào thanh chắn trên đường, nhìn như những con thằn lằn bám trên bức tường trơn trợt. Cháu biết không, ở Mỹ chỉ toàn đường cao tốc, mặt đường rất rộng, trống không, cao hơn đại lộ hàng chục mét là chuyện thường. Mà gió thì xoáy cấp mười một, mười hai. Nó vặn những bảng quảng cáo kêu răng rắc, rồi ném xuống mặt đường. Những cái cây ở phía dưới chân cầu vượt bị nhổ bật lên, quay tít trên không trung. Chưa bao giờ bác nhìn thấy cảnh tượng đáng sợ như vậy. Bác cũng đành bắt chước họ, còn hơn là bị gió đẩy xuống đường lộ mười mấy mét bên dưới...

Rồi cả cái thanh chắn cũng bị gió vặn cong, những bảng đèn đường bị giật tung ra, bay vun vút trên mặt đường. Bác chỉ biết cầu nguyện, xin ông trời thương. Bác chỉ sợ gió lốc cuốn bác đi, làm cho mặt mày bác biến dạng hết, đến lúc ấy thì các anh chị biết đường nào mà đi tìm, mà nhận dạng! Bác chẳng kể cho ba cháu biết đâu, nhưng bác vẫn mong có một lần kể cho các cháu nghe những chuyện như thế này. Nếu như hôm ấy bác mà bị gió cuốn đi trên đường cao tốc thì đâu có được hôm nay, cháu nhỉ…

Tôi nghe câu được câu mất. Chuyện bác kể thật giản dị, không đầu không cuối. Nghe bác kể, tôi không dám ngẩng lên, sợ rằng có thể cả tôi và bác đều rưng rưng nước mắt. Tôi toan hỏi ở Mỹ, bác sống ở thành phố nào, song lại thôi. Bác sẽ buồn lòng, vì có đứa cháu quá thờ ơ như vậy.

Ba tôi chợt thức giấc, cất tiếng khóc như một đứa trẻ. Mẹ tôi bảo từ ngày vào viện, ông trở chứng như thế. Vì vậy tôi không bị bất ngờ, chỉ thương cảm chạy đến ôm lấy ông. Ba tôi giơ hai tay lên che đầu, tiếp tục khóc to, gương mặt xanh xao ướt đầm đìa. Dường như bây giờ lý trí không thể thắng nổi cơn đau nữa, ông chỉ biết diễn tả cơn đau một cách tội nghiệp và tuyệt vọng như thế. Mẹ tôi chạy ra, tươi cười dỗ dành ba như dỗ dành một đứa trẻ. Còn bác Lãm, bác đi nhanh vào buồng trong.

Hai ngày sau, ba tôi lại trở vào bệnh viện. Bác Lãm cũng tạm biệt để đi thăm họ hàng, bạn bè và sui gia. Gia đình tôi lại trở về cuộc sống thường ngày đã trở nên vắng lặng, vì không có ba mẹ ở nhà. Ba đi bệnh viện rồi, vườn cây chẳng ai bảo ban quét tước, lá lại rơi dày lên trên mặt đất. Tôi lại chuẩn bị sách vở cho năm học mới. Tính đến nay, tôi đã dạy học được mười lăm năm rồi.

***

Bất ngờ, ba tôi và bác lại về nhà, cùng một ngày. Chẳng thấy bác gái đâu cả. Tôi hỏi thăm thì bác bảo bác gái bị đau răng, phải nằm ở nhà người em. Dáng người bác không còn vẻ đầy đặn hồng hào như hôm mới về nữa. Bác cũng chẳng nói chuyện lâu với ai, lầm lũi ngồi một lúc rồi đi, như thể sợ không đến thì ba tôi buồn. Thế thôi.

Rồi một buổi tối, sau khi bác Lãm và khách khứa đã về hết, mấy đứa cháu cũng theo cha mẹ chúng về đi ngủ, chợt ba vẫy tôi lại gần. Ông đã đi nằm lâu rồi, tôi tưởng ông đã ngủ.

- Ngày mai bác Lãm lên phi cơ, con thay mặt ba đi tiễn hai bác nghe Tư.

- Ngày mai hả ba? Mai bác về nước rồi hả ba?

Tôi ngỡ ngàng hỏi lại, như một con ngốc. Ba xua tay, nét mặt ngao ngán đến cùng cực, khiến tôi muốn ngậm tăm. Từ trước đến giờ, ba tôi chưa bao giờ tỏ cái vẻ mặt ấy với con cái. Vì vậy, tôi kéo mền che kín ngực cho ông rồi tìm cách chuồn êm.

- Không phải về nước mà là đi sang bên ấy. Tự nhiên ba tôi nói thật to.

- Dạ.

Ba tôi chúi đầu sâu hơn bên dưới chiếc gối bông. Mắt ông nhắm chặt, dường như cơn đau lại chuẩn bị hành hạ ông.

- Sáng mai, bác đưa ba lên bệnh viện, rồi là lên phi cơ đi luôn đấy. Con ơi! Ba nhớ ngày xưa, anh em sống với nhau. Thương lắm. Bà bác mất sớm, ông bác một mình nuôi hai anh em. Gặp năm đói kém, một nồi cơm nhỏ, trộn cả khoai lẫn bắp, hai anh em phải chia nhau ăn mấy ngày cho đỡ đói. Còn vợ chồng ông bác thì phải lặn lội làng trên xóm dưới tìm cái ăn. Nhưng nào có tìm được gì, còn bị giặc Pháp bắt nhốt, đánh đập vì nghi ngờ là Việt Minh. Bác thương ba, đi bắt cua bắt ốc về nấu canh. Nhưng mà bác vụng lắm, bắt cua thì bị cua kẹp chảy máu tay. Đi bắt ốc thì dẫm mảnh chai bị sâu quảng thối cả chân. Ba phải cõng bác chạy cả mấy cây số mới có trạm quân y, chứ làm gì có tiền mua thuốc... Ngày xưa… con ơi…! Bây giờ, làm gì còn con cua con ốc nào mà bắt nữa, phải không con?

Người ba run lên bần bật, nước mắt rớt xuống đôi má nhăn nheo gầy gò của ông. Tôi qùy xuống, nắm chặt lấy cánh tay yếu ớt của ba. Ông như một con chim bé nhỏ với một túm lông run rẩy. “Ba ơi! Ba đừng xúc động như thế. Ba!" Nhưng ba lắc đầu, lau nước mắt, rồi lại mở mắt ngước nhìn ngọn đèn ở trên tường. “Bác đi sang ấy biết làm gì để sống mùa đông này đây? (Giọng nói của ba khàn đặc, lại rít lên từng hồi như hớp lấy từng chút không khí vào cuống phổi. Nhưng ba tôi cứ cố nói thật nhanh). Ở bên ấy, mùa đông chẳng ai thuê mướn việc gì cả. Bao nhiêu tiền dành dụm được, bác mang về để tiêu pha hết cả rồi…". Chợt ba vòng tay ôm lấy đầu tôi, như một đứa bé níu lấy anh chị của nó.

Sáng hôm sau, xe đến đưa bác và ba tôi đi thật sớm. Bác bế ba tôi lên xe, rồi lui xuống ghế sau ngồi với bác gái. Qua kính chiếu hậu, tôi thấy bác gái cứ cầm cái khăn tay lên che mặt. Nhưng chẳng cần phải nói, tôi cũng biết cái mũi của bác vẫn sưng to, hậu quả của việc giải phẫu thẩm mỹ để có cái mũi cao hơn. Bác không nói với chúng tôi, nhưng bác lại khoe với mấy bà hàng xóm cũ là chuyến này về Việt Nam sửa mũi cho rẻ.

Đưa ba tôi vào bệnh viện xong đâu đấy, tôi lên xe cùng hai bác ra sân bay. Chị con dâu đã đợi ở đấy rồi. Lạ thật, họ hẹn những cuộc hẹn luôn luôn đúng. Chỉ trong vòng ba tuần anh Long về nước, họ đã kịp làm đám hỏi, rồi làm thủ tục kết hôn. Để rồi gần ba năm sau chị Duyên mới xuất cảnh. Họ mới chính thức được sống với nhau. Còn tôi, tôi tự thấy cuộc sống của mình khá là tiến bộ, nhưng sao vẫn chưa có đủ lòng tin để sống với một lời hẹn nào giống như thế...

Thủ tục cho chuyến bay diễn ra nhanh chóng. Mọi người ngồi ở phòng chờ khoảng mười lăm phút thì đã có tin báo sắp đến giờ máy bay cất cánh. Đúng mười giờ. Nhanh như thế sao? Chưa ai nói chuyện gì cả, chỉ có bác Lãm thỉnh thoảng lại nhìn lên những bảng chữ điện tử chạy trên cao. Tự nhiên tôi thầm mong chuyến bay sẽ hoãn lại, vì một lý do gì đó cũng được. Nhưng tin báo được phát lại, rành rọt bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Bác đứng dậy, ôm chầm lấy tôi từ biệt, rồi cầm lấy va li, chậm rãi đi trước. Bác gái và cả chị con dâu cũng ôm lấy tôi thật chặt. Tôi hôn lên đôi má đứa cháu nội của bác, nó đã ngủ như một thiên thần bé nhỏ.

“Máy bay Boeing 707 từ sân bay Tân Sơn Nhất đi Saint Francisco sẽ cất cánh vào lúc mười bốn giờ mười lăm. Xin mời quý khách vào phòng cách ly. Kính chúc quý khách thượng lộ bình an". Tin báo vang lên lần thứ ba giữa một không gian đông chật người.

***

Hai ngày trước khi trút hơi thở cuối cùng, ba tôi lấy hết sức ra hiệu gọi tôi. Phải ghé tai sát môi Người, tôi mới hiểu Người bảo tôi sang nhà bác Lãm, nói với bác rằng ngày mùng một tháng sau là ngày giỗ của ông bác, bác thắp thêm một nén nhang thay cho ba với… Chẳng biết ở bên kia vòng trái đất, bác tôi có linh cảm được điều gì từ những lời mê lẫn ấy và từ những cơn gió bất thần tràn đến hay không…?.

T.T.H

(Nguồn: VNĐN số 69 – tháng 11, năm 2023)


TRẦN THU HẰNG
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​