Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TỤC LỆ ỨNG XỬ Ở ĐỒNG NAI XƯA

                                                                                                

     Trong môi trường văn hóa tạo lập làng xã, giao tiếp ứng xử của người Đồng Nai dựa trên nền tảng phong tục tập quán và truyền thống văn hóa của người Việt. Làng xã ở Đồng Nai vốn có nguồn gốc từ miền Bắc và miền Trung định cư hơn ba thế kỷ tại đây, định hình nên bản sắc văn hóa của con người vùng miền Đông Nam bộ do vậy văn hóa giao tiếp ứng xử của họ cũng mang đặc trưng của cư dân vùng đất này.

     Từ giao tiếp ứng xử trong gia đình

     Nghi thức giao tiếp là hệ thống lời nói và hành vi kèm theo sự thể hiện ứng xử trong giao tiếp của các thành viên trong gia đình, tùy theo vị trí, ngôi thứ trong nhà mà những thành viên có lời nói và hành vi giao tiếp cho phù hợp. Nghi thức lời nói trong giao tiếp là một lĩnh vực rất phong phú gồm nhiều phạm vi khác nhau như xưng hô để gợi sự chú ý, mời mọc, xin phép, khuyên bảo, hỏi thăm và rất nhiều tình huống giao tiếp cụ thể khác nữa. Trong tình huống giao tiếp cụ thể, người chủ động đối thoại phải tìm cách nhập thân vào giao tiếp. Việc thiết lập mối quan hệ giao tiếp phải xác định được mục đích giao tiếp, đối tượng cần giao tiếp và hoàn cảnh giao tiếp cụ thể.

     - Ứng xử của cha mẹ đối với con cái

     Sự giao tiếp ứng xử của cha mẹ cũng tùy thuộc vào tình cảm của cha mẹ đối với con cái, xuất phát từ tình thương yêu con, không phân biệt đối xử giữa con gái với con dâu. Cha mẹ thường mong muốn con siêng năng học hành thành tài sau này giúp đỡ gia đình, làng nước và có ích cho xã hội. Nếu có điều kiện không cha mẹ nào lại không muốn con mình không được đi học. Ngày xưa con cái tốt nghiệp bậc thành chung (tiểu học), cha mẹ ở làng về cúng heo quay đãi đằng rất lớn. Đó là điều vinh dự cho cha mẹ và gia đình, gia tộc. 

72381459_3196338860437593_3454257022952800256_n.jpg
Tranh gốm tái hiện cuộc sống gia đình người Đồng Nai xưa của họa sĩ Hoàng Ngọc Hiến.

     

     Bổn phận của cha mẹ thường được phân chia: người cha thì dạy bảo con trai, còn mẹ thì dạy dỗ con gái hoặc con dâu. Đối với con trai cha mẹ thường dạy con phải học làm người xứng với bậc nam nhi học theo đạo đức của người quân tử (như đức Khổng Tử đã dạy). Dưới đây là những nội dung trích từ tài liệu “Học làm người mới’ của ông Nguyễn Kim Thinh, sinh năm 1924, ấp 2, xã Hiệp Phước, huyện  Nhơn Trạch biên soạn:

“Nghe lời cha dạy nhớ nghe con,

Tam cang giữ đạo phải cho tròn.

Thứ nhất trung quân cho trọn trí,

Thứ nhì hiếu phụ nhớ nghe con.

Thứ ba chồng vợ tình trọng nghĩa,

Đó là cang đạo nhớ nghe con”.

     Đối với con gái hoặc con dâu mới về nhà chồng, cha mẹ dạy con phải công dung ngôn hạnh, giữ tam tòng tứ đức. Bổn phận của cha mẹ chồng là phải dạy bảo nàng dâu ngay khi mới về nhà chồng. Coi con dâu cũng như là con gái ruột của mình, với quan niệm “dâu chính là con”. 

“Nghe lời mẹ dạy nhớ nghe con,

Tam tùng là mối giữ cho tròn.

Tứ đức mối giềng lòng khắn khắn,

Phận làm nhi nữ nhớ nghe con”.

     Để nhấn mạnh bổn phận của người con gái khi đã có chồng thì cha mẹ phải dạy con luôn giữ tròn tiết hạnh của người phụ nữ đã có gia đình, trọn vẹn, chung thủy với chồng:“Không chồng đi dọc đi ngang; Có chồng đi thẳng một đàng mà thôi”. 

     Để dạy bảo con cái học để biết lấy một nghề hầu mong lập nghiệp sau này thì cha mẹ khuyên bảo phải học cho được một nghề nào đó: “Ai ơi tiền của ê hề; Cũng không bằng có một nghề trong tay”.

     - Ứng xử của con cháu đối với ông bà, cha mẹ

     Con cái thể hiện đạo hiếu với cha mẹ hết sức cảm động. Khi cha mẹ qua đời, ngoài những nghi thức tang lễ thể hiện đạo hiếu với cha mẹ, người dân Đồng Nai có những tục lệ hết sức truyền thống (giữ lấy lề thói cũ). Người đàn ông đang chịu tang thường để râu tóc dài không cạo trong ba năm với ý nguyện là cho trọn đạo hiếu của người con đối với cha mẹ khi qua đời. 

     Con gái trước khi về nhà chồng thực hiện nghi lễ lạy cha mẹ đẻ của mình. Đêm trước khi về nhà chồng, người con gái bưng khay trầu rượu làm lễ lạy ông bà cha mẹ (người đã mất 4 lạy, người sống 2 lạy) tỏ ý nhớ ơn người đã có công sinh thành dưỡng dục mình, nay đã lớn đến tuổi thành gia thất lạy tạ ông bà cha mẹ để ngày mai về nhà chồng. Nghi thức này cũng thể hiện đạo hiếu của con cái với cha mẹ. Đồng thời đây cũng là dịp để cha mẹ có những lời khuyên răn con gái trước khi về nhà chồng sống sao cho trọn vẹn là dâu con của bên chồng, chung thủy, đảm đang với gia đình chồng, chu toàn bổn phận gánh vác giang san nhà chồng.

    Để nhận được lời dạy đỗ của cha mẹ chồng, trước hết người con dâu phải khéo léo bưng khay trầu rượu lại thưa với cha mẹ, bày tỏ ý để anh chị em bên nhà chồng hướng dẫn theo nếp sống ở gia đình chồng. Đặc biệt con dâu mới về nhà chồng, sáng sớm hôm sau phải thức dậy sớm lo trà nước hầu ông bà cha mẹ chồng. Bổn phận của nàng dâu cũng rất lớn phải gánh vác việc cơm nước và quán xuyến việc nhà chồng…

      Ứng xử trong bà con, dòng tộc

    Gia tộc họ hàng vốn gồm nhiều gia đình thuộc chi, ngành của một tộc họ… Thành viên trong một tộc họ càng qua nhiều thế hệ càng đông đảo hơn. Vì thế, những kẻ hậu thế nếu không được giới thiệu, biết nhau sẽ không biết quan hệ thân thuộc trong tộc họ của mình, không biết vai vế của từng thành viên trong dòng tộc. Làng cổ ở Biên Hòa, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch có tục lệ nhân những dịp đám cưới hay giỗ chạp, các bậc cha chú thường giới thiệu con cháu, hậu duệ của mình để mọi người biết nhau mà xử sự cho đúng bậc.

    Đến giao tiếp ứng xử với môi trường xã hội

     - Quan hệ thầy trò: Học trò thể hiện lễ nghĩa và lòng biết ơn đối với thầy đã có công dạy chữ hoặc nghề nghiệp cho mình. Những biểu hiện cụ thể như:

     Đối với thầy dạy học: Muốn thầy dạy nhận học trò, đặc biệt là thầy làng dạy chữ cho các trẻ nhỏ trong làng. Trước hết cha mẹ phải sắm một mâm lễ cúng (xôi, thịt, nhang, trái cây, bông hoa…) đem đến nhà thầy, thầy cúng trước bàn thờ  Khổng Tử, học trò vái lạy, thầy làm lễ đọc họ tên đón nhận đệ tử mới, nguyện ông Thánh ban ơn cho học trò học hành giỏi dang, thuận lợi, thành tài và sau này không phản lại thầy. Thầy không chỉ là người dạy chữ mà còn là người dạy dỗ để trẻ em biết cách đối nhân xử thế, dạy con người biết cách ứng xử trong gia đình và xã hội. Việc rèn luyện nhân cách cũng được các thầy chỉ bảo cho các em. 

      Đối với thầy dạy nghề: Để học lấy một nghề kiếm sống sinh nhai, các học trò học nghề trước tiên cũng phải sắm lễ vật (con gà, trái cây, hoa tươi, nhang) đến nhà thầy cúng trước bàn thờ Tổ nghề. Ngoài số lễ vật học trò đem tới, tùy theo nghề nghiệp sư phụ sẽ đặt một loại vật dụng tượng trưng cho nghề nghiệp của mình trước bàn thờ Tổ như: cây thước (thợ may), chiếc bay (thợ hồ), búa (thợ rèn), trống cái (học nhạc), siêu- đao của ông Quan Thánh (học võ), thước nách (thợ mộc)… Một trong những kiêng kỵ của thầy dạy nghề là dù có tận tâm chỉ dạy nghề cho đệ tử nhưng vẫn giữ lại bí quyết nghề nghiệp riêng của mình (đó là bảo bối), vì thầy sợ trò sẽ phản thầy. Đặc biệt thợ mộc khi làm nhà thường phải yểm thì nghề mới được suôn sẻ.

     - Quan hệ nghề nghiệp: Hoạt động kinh tế của dân làng xưa thể hiện qua hoạt động sản xuất nông nghiệp và buôn bán. 

     Trong sản xuất nông nghiệp: Những nông dân trong làng đều có thể học tập trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp như: trồng cấy lúa, hoa màu và cây ăn trái. Mọi người có thể hỗ trợ nhau để cung cấp giống tốt, hoặc học nhau làm kinh tế vườn: như trồng trầu, cau, rau củ, bầu bí…

     Trong hoạt động buôn bán: Những người trong làng cùng nghề đi buôn bán xa thường tụ nhau lại đi thành đoàn. Trước đây các làng cổ trồng nhiều trầu cau, tiêu những bạn hàng có thể tập trung thành từng đoàn xe bò đi xuống Bà Rịa bán cau trầu, khi về buôn cá mắm về bán lại. Hoặc từng đoàn xe bò đi buôn từ Vĩnh Cửu đến Biên Hòa, Biên Hòa đến Gia Định, Nhơn Trạch tới Biên Hòa hoặc Long Khánh, Xuân Lộc để bán bưởi, tiêu, cau trầu. Những bạn hàng tập trung thành đoàn để có thể hỗ trợ nhau trên đường, tránh được nạn cướp bóc dọc đường. Ngoài ra, đây còn là biểu hiện tinh thần tương trợ, tính tập thể trong làm ăn buôn bán “buôn có bạn, bán có phường” của người dân làng Nam bộ xưa kia.

     -  Quan hệ với người trên kẻ dưới: 

    Đây chính là biểu hiện khuôn phép ứng xử của con người trong xã hội, là chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam. Người dân Nam bộ dù là được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nào nhưng nếu được giáo dục trong môi trường tốt thì nhân cách rất chuẩn mực. 

     Người dân Đồng Nai xưa với tinh thần ứng xử theo tính cách Nam bộ do vậy ứng xử cũng hết sức lễ phép. Gặp người trên thì có hành vi cung kính, lễ độ chào hỏi, trân trọng. Trẻ em thường ít dám lại gần những vị hương chức làng tỏ thái độ tôn kính họ. Hay những người có chức vụ địa vị cao trong làng thì mọi người kính trọng không gọi tên tục mà chỉ dám gọi theo chức vụ. 

     Đối với những kẻ chức vụ kém hơn hoặc ít tuổi hơn mình thì người bề trên luôn có thái độ chan hòa, khiêm tốn, giản dị, không kiểu cách tạo uy để người khác phải khiếp sợ. Thầy gặp học trò luôn thể hiện sự hòa đồng, vui vẻ… để học trò không sợ sệt, được trẻ em quý mến.

     Có thể nói, văn hóa ứng xử thể hiện qua các mối quan hệ giữa cá nhân trong gia đình và cộng đồng xã hội. Những biểu hiện trên thể hiện được nét đặc trưng văn hóa của cư dân Đồng Nai định cư ở vùng đất mới phương Nam hơn ba thế kỷ qua. 

TS.Nguyễn Thị Nguyệt

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​