Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
CUNG BẬC VENICE

Truyện ngắn của Khôi Vũ

(Nguồn: VNĐN số 35 – tháng 01 & 02 năm 2020)

 

 

 2. Cung bậc Venice - Lâm Văn Cảng.jpg
Minh họa: Lâm Văn Cảng

Hành lý cồng kềnh, từ cửa ga đến khách sạn đã book chỗ trước, xem trong bản đồ thì không xa, nhưng đường lát đá nên không bằng phẳng, đi một quãng đã thấy mệt, mấy cái va li kéo cứ lộc cộc kêu đến tội nghiệp. Nhìn dòng người phía trước, hầu như đều gọn nhẹ. Ba lô trên vai, những du khách phương Tây bước những bước chân dài, thảnh thơi.

Con gái ông gọi một porter, thương lượng giá vận chuyển. Anh thanh niên cao lớn đứng bên chiếc xe đẩy đòi 10 Euro. Không biết chính xác đường xa gần, không biết giá hiện hành, đành chấp nhận. Vài phút sau, khi anh porter dừng xe trước cửa khách sạn, bỏ hành lý xuống, cả nhà mới biết là bị hớ. Ông bảo: “Coi như xài sang để đổi được mấy phút đi bộ thong thả”.

Spagna là tên khách sạn. Tầng trệt của nó là một cửa hàng, phòng thuê ở tầng một, không có thang máy. Porter không giúp mà chính anh tiếp tân giúp chuyển hành lý lên. Mới mười giờ sáng nhưng anh này vẫn đồng ý cho check in sớm hơn giờ quy định. Vào phòng mới thấy thất vọng: không có bình đun nước nóng, kể cả bình thủy, không trà, cà phê, đường để sẵn trên bàn… Ra hỏi thì anh tiếp tân trả lời: Muốn dùng nước nóng thì yêu cầu, sẽ được phục vụ một bình nước nóng đun sẵn để dùng ngay. Anh ta còn nói: “Tôi uống nước rôbinet từ nhỏ đến nay mà vẫn khỏe mạnh, có sao đâu”. Trời ạ! Ở Singapore người ta cũng dùng nước rôbinet trực tiếp mà cả nhà khi ở đó có dám dùng đâu, vẫn đun nước sôi rồi để nguội mới uống... Mà cần nước sôi là còn để ăn mì gói, chứ đâu phải chỉ để uống. Mệt đầu! Chẳng buồn giải thích...

Sắp xếp xong hành lý, chỗ nghỉ, hai cha con ra “tám” với anh tiếp tân. Trước hết là hỏi đường đến khu quảng trường Thánh Marco. Anh này lấy ra tờ bản đồ nhỏ, lấy bút bi vẽ đường đi bộ từ khách sạn đến quảng trường. “Nhưng chúng tôi mua vé tàu sông rồi, loại 24h, dừng lại tất cả các bến”. “Vậy thì ra bến Ferrovia đón tàu”. “Trên đường đi chúng tôi muốn ghé xem cầu Rialto, gần cầu có chợ để vào ăn trưa không?”. “Có chứ! Xuống bến trước cầu Rialto là gặp chợ”. Vừa nói cảm ơn định đi thì phải đứng lại vì anh tiếp tân mau mắn chào tour thăm nhà máy làm thủy tinh: “Nếu quý khách đăng ký đi sáng mai thì sẽ có xe và người hướng dẫn đến đón. Tham quan xưởng sản xuất, không mua hàng cũng được. Nhưng khi về thì khách tự túc”. Ông nghĩ thầm: “Thế nào mà khách sạn hay anh này chẳng có chút huê hồng quảng cáo”.

Trời Venice ấm hơn ở Paris, nơi mà chuyến tàu mười bốn tiếng đã đưa gia đình ông rời khỏi nước Pháp, đến ga Venice lúc chín giờ sáng. Mười bảy độ. Là ấm hơn Paris chứ vẫn là lạnh, so với thời tiết ở Việt Nam. Cả nhà phải kéo mũ trùm đầu hoặc đội mũ, nón cho bớt lạnh trước những làn gió từ ngoài Kênh Lớn thổi vào.

Từ khi bước ra khỏi ga tàu đặt chân lên thành phố của tình yêu này, ông đã không còn nghe tiếng động cơ xe cộ, chỉ thấy người và người đi bộ. Qua lại trên Kênh Lớn phía trước là những chiếc tàu chở khách, những chiếc ca nô, những chiếc thuyền Gondola truyền thống có mũi thuyền cong, người lái thuyền đứng phía sau với mái chèo dài và vài ba du khách ngồi giữa thuyền ngắm cảnh hai bên bờ kênh.

Ông rủ cả nhà leo lên chiếc cầu gần bến tàu khách để chụp mấy tấm ảnh kỷ niệm. Đứng trên cầu phải “chịu trận” nhiều cơn gió lạnh, dù gần trưa đã le lói ánh mặt trời. Venice chỉ có đường thủy nối các đảo nhỏ với nhau bằng hơn bốn trăm chiếc cầu. Sao có thể thiếu ảnh chụp với những chiếc cầu kia chứ!

***

Đúng là gia đình ông vô duyên với chiếc cầu Rialto. Tìm đến nơi thì không lên cầu được vì nó đang được sửa chữa, lối đi bị bít lại. Đành phải ra phía bờ, nơi có những hàng quán với những anh phục vụ mặc đồng phục luôn miệng mời chào, để ngắm cầu. Chiếc cầu có lịch sử xây dựng từ thế kỷ XI bằng gỗ, đến thế kỷ XVI thì thay bằng cầu gạch, đá vẫn tồn tại đến nay. Nó chỉ có một nhịp, có mái che, có lan can bên ngoài mười hai vòm cung mỗi phía và nhìn như một chữ V ngược.

- Người ta ghi nhận là du khách nào đến Venice cũng chụp ảnh với cầu Rialto. Nó là chiếc cầu được chụp ảnh nhiều nhất ở đây!

Con gái ông giới thiệu trước khi cả nhà thay nhau tìm vị trí và tạo dáng chụp ảnh, lấy chiếc cầu nổi tiếng này làm hậu cảnh. Thế thời phải thế, có còn hơn không! Ông tự an ủi.

Quay lại chợ tìm chỗ ăn trưa. Đi loanh quanh một lúc thì gặp một chiếc cầu nhỏ xíu bắc ngang con rạch cũng nhỏ như ngõ hẻm một xóm lao động nước mình. Ông nhắm mắt lại, tưởng tượng con rạch phía dưới là đường đất, hay đường dân sinh bằng bê tông. Chỉ khác hai bên “đường” là những bức tường nhà, không có cửa trổ ra. Đường lớn, đường nhỏ, đường hẻm... ở đâu trên trái đất này thì cũng thế, cũng có sự khác biệt không sao san bằng được...

Chọn một quán ăn giữa chợ, cả nhà ngồi quanh một chiếc bàn có che dù tránh nắng. Nhìn ra xế bên, ông thấy nhiều du khách lại chọn ngồi quanh mấy chiếc bàn chói chang nắng vàng. Thực ra trời lạnh, ngồi nơi có nắng như họ mới hợp lý. Nhưng mình lại không thay đổi được thói quen, đã ngồi ăn là phải ngồi trong bóng mát... “Mình là người bảo thủ?”. Ông tự thấy một chút thú vị với nhận định về chính mình.

Bữa ăn cho cả nhà gồm đĩa mì spagetty, đĩa cơm cá, chén súp, hai lon cola, trả tiền ngay hơn 50 euro trước khi ăn mà không thấy ngon miệng. Mấy chàng nhạc công từ đâu đến, đứng trước hiên quán chơi liền mấy bản nhạc. Có vài người đến cho tiền, họ nhận rồi mau chóng kéo nhau đi nơi khác. Ông đứng lên trước, lấy máy chụp mấy tấm ảnh tủ kính bày đủ loại mặt nạ có kiểu dáng và lớn nhỏ khác nhau. Chụp xong mới để ý tấm biển nhỏ gắn trên tường: “Cấm chụp ảnh”. “Mình phạm luật của nhà hàng rồi. Nhưng chắc họ không trông thấy hoặc có thấy nhưng biết mình là du khách nên bỏ qua...”

***

Kênh Lớn tấp nập tàu, thuyền. Ngồi trên tàu tour không chỉ có du khách mà còn có cả những cư dân địa phương. Khách đợi tàu ở những “bến” nổi, nơi tiếp nước bám đầy rêu và dập dềnh theo sóng. Hai bên bờ là những ngôi nhà cao tầng, là cơ sở kinh doanh, là văn phòng công ty hay nhà ở của dân. Cửa quay ra kênh nhà nào cũng có những chiếc cọc nhô cao khỏi mặt nước, ấn định “bến” của nhà mình, nhiều nơi còn neo đậu một chiếc ca nô hay thuyền nhỏ có mái chèo. Ở một ngã ba trên Kênh Lớn, có... đèn tín hiệu giao thông màu vàng chớp nháy để cảnh giác thuyền từ trong con rạch nhỏ ra kênh. Tàu sông nhấn còi khi qua ngã ba. Những con rạch nhỏ khiến ông nghĩ đến những con hẻm dẫn ra đường lớn, còn những con thuyền len lỏi trong đó thì chẳng khác chiếc xe gắn máy luồn lách trong ngõ hẹp. “Thì ra mình đang dịch cảnh đường thủy thành cảnh đường bộ”. - Ông miên man nghĩ.

Tàu dừng ở nhiều bến, trả khách, đón khách... rồi cuối cùng cũng đến bến lên quảng trường Thánh Marco. Khác với những bến trước, bến nơi đây có nhiều tàu, thuyền neo đậu. Có cả những chiếc như ca nô, kẻ chữ Taxi. Đây là quảng trường lớn nhất ở Venice, có nhà thờ dát vàng, có dinh tổng trấn cũ và nhất là một khu đất rộng với người và người, với những đàn bồ câu, với tiếng nhạc vỹ cầm đâu đó...

Ông chậm rãi leo từng bậc thang lên tầng một khu dinh tổng trấn. Lên đến nơi thì nghe tiếng hòa ca của một nhóm thanh niên nam nữ đứng quanh nhau nơi hành lang rộng. Họ hát cùng nhau, có đủ bè chính và bè phụ, một bài hát mà ông đoán là thánh ca. Có vài người cầm giấy in lời bài hát, còn đa số đều hát thuộc lòng. Họ hát say sưa và nhìn trang phục, vóc dáng, gương mặt, màu da... là biết ngay họ không cùng quốc tịch, chỉ là tình cờ gặp nhau và cùng hòa ca. Ông lấy máy ảnh đặt chế độ quay clip để ghi lại phần sau của bản hòa ca tuyệt vời này. Âm nhạc thật kỳ diệu, có lẽ ở đây phải kể thêm cả phần của tôn giáo, đã kết nối những người xa lạ với nhau thành những người thân. Rồi sau bài hát, mỗi người sẽ đi một ngả, gồm cả ông, người quay clip làm kỷ niệm. Sẽ chẳng ai nhớ ai mà chỉ nhớ cái hình ảnh những người đứng vây quanh nhau, nhớ cái không gian của hành lang rộng, cái không khí đầy âm thanh trầm bổng...

Cháu ông đòi ăn kem. Ông cũng thèm kem như cháu. Hai ông cháu mỗi người một cây kem, ra ngồi trên hai chiếc ghế kê nơi hành lang tầng trệt dãy trái khu quảng trường. Phía ngoài hành lang là những dãy bàn ghế - như là của một nhà hàng bán thức ăn nước uống chiều tối - và trên một sân khấu nhỏ, có mấy nhạc công đang chơi nhạc. Ông đang sảng khoái với cái thú ăn kem, nghe nhạc thì một anh phục vụ tới gần, thông báo rằng ghế chỉ dành cho khách gọi món của nhà hàng! Không thể khác hơn một lời “sorry!” rồi hai ông cháu cùng đứng lên. Cháu ông cũng nói: “sorry!”, và anh phục vụ cười, giơ mấy ngón tay ngo ngoe làm quen với nó.

Chiều xuống. Quảng trường vẫn đông người. mà có lẽ còn đông hơn lúc gia đình ông đến. Nước lên cao, mấp mé bờ. Ở đây đã ra khỏi Kênh Lớn, là nơi giáp với biển. Mênh mông và lạnh vì mưa lất phất. Về thôi...

***

Vẫn còn mấy tiếng của buổi sáng ở lại Venice, trước khi ra ga đón tàu đi Rome. Chuyến du lịch tự túc đã đến lúc phải kết thúc ở thành phố của tình yêu này mà vẫn còn vương vương điều gì đó luyến tiếc. Khách sạn dọn món ăn sáng. Chỉ có mấy loại bánh và thức uống tùy chọn cà phê, chocolate hay sữa. Đạm bạc đến không thể đạm bạc hơn.

“Hay là ta đi một vòng Kênh Lớn qua vài ba bến, trước khi quay về ga chờ tàu”. Con gái ông nói thế và chẳng ai phản đối. Thêm một lần đi tàu trên Kênh Lớn. Nhưng đã qua ba, bốn bến mà vẫn còn thời gian, nửa muốn quay về, nửa muốn đi tiếp vì chuyến tàu này không chạy theo tuyến lần trước. Nó vòng qua phía khác mà ngồi trên tàu ông nhìn thấy chiếc cầu nối từ đất liền đến con đường bộ đầu tiên và cuối cùng của Venice có sự có mặt của xe hơi!

Tàu đi qua nhiều bến. Những bến tàu thường mang tên một vị thánh của Thiên Chúa giáo. Gần đó là nhà thờ. Venice là thành phố của nhà thờ mà. Rồi con tàu lại dừng bến. Lần thứ nhì gia đình ông nhìn thấy quảng trường Thánh Marco, nhưng không vào. “Có lẽ mình về bằng taxi nước cho nhanh”. Ai cũng náo nức trước gợi ý này để rồi phải tiu nghỉu khi nghe người tài xế taxi nước ra giá 60 euro! Cuối cùng, chuyến về vẫn là tàu sông. May mà vẫn kịp giờ nhận hành lý ở khách sạn rồi ra ga. Lại phải gọi một anh porter vận chuyển mấy cái va li công kềnh qua con đường lát đá gồ ghề. Lại phải trả 10 Euro như lần trước, dù lần này có kỳ kèo trả giá bớt xuống.

Ngồi đợi tàu, đứa cháu chạy chơi và gọi mẹ ơi ới, khoe cái này cái kia. Khách đợi tàu nhìn thằng bé cười thông cảm, có người xoa đầu nó, hỏi tên tuổi. Thằng bé trả lời bằng tiếng Anh, tự tin và chững chạc. Nó lại nhận được những nụ cười hoặc bàn tay giơ cao khen ngợi. Người phương Tây vốn thích trẻ con! Một cặp nam nữ đã đứng tuổi, đứng gần đó ôm nhau hôn môi. Chẳng ai quan tâm và dường như chỉ có ông cảm thấy mình đang đỏ mặt, kéo tay đứa cháu về phía mình.

Tàu đến. Tiếng còi tàu từ xa như nói: “Chào Venice”. Ông đứng dậy, lầm nhẩm trong đầu: “Tạm biệt Venice”. Ông chỉ tạm biệt. Dù ít hy vọng, ông vẫn mong có thêm một lần trở lại thành phố của tình yêu này.

Tiếp theo Venice là Rome, rồi ông sẽ cùng gia đình đáp chuyến bay về nước, về thành phố Biên Hòa. Đây mới thực sư là thành phố của tình yêu vĩnh viễn trong lòng ông.

K.V

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​