Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
HƯƠNG XUÂN

Truyện của Khôi Nguyên Thảo

(Nguồn: VNĐN số 35 – tháng 01 & 02 năm 2020)

 

  

Đã có lần, ba con Mai giải thích rằng tên nó là tên loài hoa mang vẻ đẹp đài các, rạng rỡ nhưng rất đỗi thân thương: hoa Mai. Rõ rách việc, con Mai bao giờ quan tâm chi điều ấy. Với nó, cái tên đơn thuần chỉ là để gọi, đến con chó còn có tên Bun, con mèo tên Mướp, huống chi con người.

Những tia nắng cuối ngày yếu ớt xiên qua cửa, hắt vào căn phòng tranh tối tranh sáng. Căn phòng chỉ có duy nhất một khoảnh trống nhỏ dài ở giữa làm lối đi lại, bốn bề tứ phía kê giường, tủ, đồ đoàn chật chội. Không gian lặng lẽ như tờ, chỉ dăm ba tiếng ì ì vọng lại mỗi khi có thuyền ghe rẽ sóng đi lại phía con sông sau nhà.

Mai vừa đi chợ chiều về. Một ông ba gác chở rau củ trong lúc chen lấn đã thúc xe vào chân nó đau điếng. Nó ném uỵch mấy mớ rau con cá lên kệ bếp rồi lấy rượu gừng bóp chân. Tiện thể, nó quay qua bóp cho ba, mẹ gần đó. Già cả, gặp ngày trái gió trở trời, có chút rượu gừng giữ ấm cơ thể khỏi lo cảm lạnh. Trong căn phòng tranh tối tranh sáng có một vật trang trí duy nhất là bình hoa giả. Bông hoa được kết từ những sợi bao ni lông xé nhỏ, do chính tay ông lão làm tặng bà lão trong một ngày thanh xuân nào đó mấy chục năm về trước. Trong tù chẳng có quà tinh thần nào đáng giá hơn thế. Những bông hoa ngày ấy giờ vẫn được bày trang trọng ở vị trí trung tâm căn phòng. Có lần con Mai chưng một bình hoa hồng lên đó, dẹp bình hoa ni lông vào góc tủ, bà lão rối rít đi tìm, ông lão cáu ầm lên một cách khó hiểu. Từ đó con Mai chẳng thèm chú ý gì tới hoa vớilá. Dù đôi khi, bình hoa cũ xì vẫn khiến nó ngứa mắt.

Căn nhà chỉ chừng 30 mét vuông này có đến 5 người cùng sống nhưng rất ít âm thanh. Hai ông bà già, con Mai, anh chồng và thằng Toét. Anh chồng chạy xe ôm, chắc trò chuyện nhiều với khách nên về nhà chẳng còn hứng nói năng gì. Thằng con - cu Toét là thằng nhỏ bị bác sĩ tâm lí chẩn đoán mắc chứng chậm phát triển, tăng động giảm chú ý nên cả ngày hầu như không nói. Thi thoảng nó lảm nhảm hát vài bài hát học được đâu đó. Còn con Mai, bao nhiêu công việc cơm nước chợ búa lo toan trong nhà đã lấy hầu hết sức lực của nó, khiến nó u ám mặt mày, còn đâu tâm trạng nói gì ngoài chuyện bó rau con cá.

***

Mai chẳng rõ bà lão nuôi nó từ lúc nào, lâu quá nó đã quên mất. Hồ sơ xin con nuôi thì nó đã xé nát vì cơn giận ngút đầu khi 17 tuổi, phát hiện ra rằng nó không phải là con của hai ông bà già. Hồi bé con Mai được cả xóm gọi siêu quậy. Vài người chậc lưỡi tiếc rẻ vì ba mẹ nó là những người ưu tú như thế mà có đứa con không giống ai. Có người ác miệng còn rủa, con Mai không ra cái giống gì.

Ông bà già của nó trong mắt mọi người là những người đảng viên mẫn cán, ưu tú. Yêu nhau từ thời sinh viên đại học, cùng được giữ lại giảng dạy ở trường nhưng cùng từ chối để đi hoạt động cách mạng. Rồi cùng bị bắt vào tù ra khám...

- Khờ thiệt, đang yên đang lành lại chui đầu vô tù! - con Mai bình luận khi có lần nghe mẹ nó kể lại. Mới chỉ nhận xét “khờ” thôi mà bà già đã quắc mắt nhìn nó, ông già thì gầm lên: “Láo! Vô ơn!”. Ly nước nóng rát ông đang uống dở hắt thẳng vào nó.

Thực tình chuyện ông bà già kéo nhau vào tù ra khám không khiến nó ức chế bằng chuyện hai người từ chối căn nhà cả hơn trăm mét vuông nhà nước cấp cho trên Sài Gòn, về quê sinh sống. Khi nghe chuyện này, con Mai tiếc ngơ ngẩn. Ông bà mà biết nghĩ như nó là giờ “ngon” quá rồi. Nhà ở Sài Gòn mà chê. Chẳng thể nào hiểu nổi.

Có lần ông bà già kéo nhau lên Sài Gòn họp hội cựu tù Côn Đảo, con Mai ở nhà buồn tình ngồi lục lọi. Nó lục ra hồ sơ ghi rõ nó tên Trần Thị Hạnh chứ không phải Lê Thị Tuyết Mai như bây giờ. Nó ở trong cô nhi viện, được ông bà xin về nhận làm con nuôi. Nó xé nát bộ hồ sơ rồi ăn cắp mấy món đồ của ông bà đem cầm đồ, có chút vốn liếng ra đi. Nó chẳng áy náy chút nào, thậm chí cho rằng như vậy là đáng. Bởi ông bà già giấu nó, lừa gạt nó. Bởi ông bà già không phải là cha mẹ ruột của nó nên không thương nó. Bởi một bên má nó vẫn còn ran rát nước trà nóng vừa hắt hôm kia, khi nó dám chê ba mẹ nó “khờ” khi đâm đầu vô nhà tù.

Nó đi theo thằng bồ làm nghề hớt tóc vỉa hè bên kia đường. Năm đó nó 17 tuổi. Hai đứa bàn mưu tính kế qua tỉnh bên cạnh làm ăn. Số tiền có được từ cầm đồ dư dả để tụi nó mở cái quán cà phê nhỏ nhỏ. Chẳng bao lâu thì quán đóng cửa vì không có khách, tiền tiêu sạch bách vì miệng ăn núi lở huống chi chút vốn liếng ăn cắp của ông già. Chỉ có cái bụng ngày một to đùng ra, không biết làm sao lại quay về xin lỗi ông bà già, thà ăn roi còn hơn chết đói. Ai dè ông già nhìn bộ dạng nó, chẳng trách mắng câu nào, chỉ dặn dò lo tu chí làm ăn vì đã thực sự là người lớn.

Đó là chuyện từ 5, 7 năm trước. Còn bây giờ ông già đã vào viện, nhiều tháng nay phải cắm ống đưa thức ăn thẳng vào dạ dày và kè kè một bịch nước tiểu vàng khè bên mình. Nước tiểu nào chẳng khai, nhưng con Mai quen cái mùi đó đến đỗi, có ai hỏi nó có khó chịu không, có khai không, nó nói không chắc nịch. Người thương nó, nói con nhỏ chịu khó, làm mẹ rồi biết thương ba mẹ. Người ghét, nói con nhỏ chịu nhục chút mai mốt kiếm của nả, nhà cửa của ông bà, hơn nữa hai sổ hưu cộng các khoản tiền tù, tiền trợ cấp của hai lão thành cách mạng cũng gần 20 triệu, chăm vậy cũng đáng đồng tiền bát gạo. Tiếng lành, tiếng dữ gì cũng trôi lại tai nó. Con Mai tức nghẹn họng nhưng chẳng dư thời gian đâu mà phân bua.

Chính vì thái độ ân cần của ông lão khi đón nó trở về với bụng chửa ngập mặt đã khiến nó thay đổi. Khi nó sinh thằng Toét, bà lão đã yếu không chia sẻ nhiều được. Ông lão không ngại giặt từng cái tã cái quần bé xíu. Nhìn ông treo những món đồ đó lên với ánh mắt lấp lánh niềm vui, nó thực lòng thấy mình mắc nợ.

* * *

Bà lão nổi tiếng hát hay trong các cựu tù. Nhờ tiếng hát ấy mà ba mẹ nó tìm ra nhau. Mấy lần cầm đầu các bạn tù nổi dậy trong nhà ngục, ông lão lúc đó còn là chàng trai chưa tới 30, bị tra tấn dã man tưởng chết được. Giữa những cơn mê sảng, những trận sốt ác tính, lại cả những đêm rát họng, khó thở vì hen suyễn, ba nó nghe mẹ nó cất những câu hát về lý tưởng, khát vọng của tuổi trẻ, lại thì thào: “Đồng chí ơi, hát nữa đi, hát nữa đi”. Chẳng biết có mối giao cảm nào đó mà tiếng hát lại cất lên, tiếng hát làm vết thương nhanh hết sưng nhức, làm mau lành da. Tiếng hát làm trái tim tù nhân muốn reo lên giữa những cơn đau.

Cô Nghĩa - đồng đội cũ của ba mẹ vẫn rủ rỉ rù rì với con Mai câu chuyện ấy nhiều lần. Cô bảo, con Mai biết không, trước khi vô cô nhi viện xin con, mẹ mày sẩy thai tới lần thứ 5 vẫn không thành công. Đó là do những ngày còn ở tù, nhiều tù nhân nữ như mẹ nó bị tra tấn bằng cách thúc dùi cui vào vùng kín. Cô Nghĩa xót quá phải gào lên “Chị đừng tự giết mình như thế. Một lần sảy bằng bảy lần sinh, sao chịu hoài được”. Lúc đó cả hai chị em ôm nhau khóc ròng và dắt nhau vào cô nhi viện xin con nuôi. Con Mai lúc đó hai tuần, má căng hồng, nhìn y nhưbúp bê...

 Những câu chuyện ấy, nói hoài cả chục lần con Mai không thèm nghe. Lần này lạ thay, khi ôm thằng Toét trong tay mình, con Mai nghe cô Nghĩa nhắc lại mà nước má chảy dài trên hai má.

* * *

Ông lão nằm viện đến gần hai tháng bác sĩ mới tạm để về nhà tiếp tục theo dõi. May thế, Tết cũng đã gần kề mà nhà cửa vắng như cái am khi vợ chồng con Mai tối ngày thay nhau ở bệnh viện. Cũng ngoài 80 rồi, ở viện nhiều hơn ở nhà cũng là điều không bất ngờ gì. Điều khiến con Mai bất ngờ là không hiểu sao ngày xưa, nó luôn vui khi ba đi vắng thì giờ, nghe tin ông về lại khiến nó vui hân hoan như dạo bé được ông lão thưởng quà bánh (mà dạo đó, ông công tác suốt, có mấy khi thấy mặt con đâu mà thưởng). Nó còn cẩn thận đi tìm một gốc mai trắng - loài hoa mà ông lão rất yêu thích, về chưng trước cửa đón người về. Hoa mai trắng dịu dàng đưa hương mùa xuân len nhẹ vào căn nhà nhỏ.

Xe taxi vừa về đến nhà thì cả đám nhốn nháo lên khi bà lão thình lình biến mất. Con Mai, cô Nghĩa phải nhờ thêm cả chục bà con hàng xóm túa đi khắp nẻo kiếm tìm. Gần cuối buổi chiều, con Mai sực nhớ ra buổi trưa thằng Toét hỏi mẹ về mấy bông hoa ni lông bỗng dưng biến mất. Rồi tìm quanh khắp cũng không thấy tăm hơi thằng Toét. Như có linh tính, Mai và cô Nghĩa trở lại bệnh viện. Quả nhiên, trong một góc sân bệnh viện, dưới hàng cây sứ cổ thụ trổ bông thơm dịu dàng, bà lão vẫn ngồi, tay cầm những bông hoa ni lông cũ kĩ bao nhiêu năm. Cạnh đó là thằng Toét đang trò chuyện gì đó. Con Mai chực thấy cay sè nơi khóe mắt:

- Má, má ra đây chi vậy?

- Má đi thăm ba mày. Tết rồi, không có ông, buồn lắm.

Con Mai cười to. Trời ơi, khó có thể tưởng tượng được suốt mấy năm nay không nói nổi một câu tròn vành rõ nghĩa vì chứng mất trí nhớ, lẫn lộn mà giờ, má nó có thể ngồi nói rành rọt đến thế. Rồi, một bà lão mất trí nhớ, một thằng bé ngẩn ngơ lại có thể biết Tết đã về, dắt nhau đi mấy cây số từ nhà ra viện mà không bị lạc…

Nó ôm lấy bờ vai chực đổ xuống theo bóng chiều. Nắng quái xiên ngang qua vòm lá, ánh lên màu mật ong thấm đượm. Những giọt nắng mật ong ấy tràn ngập cả trên những đóa hoa cũ kĩ bà lão cầm trên tay. Trong thoáng chốc, Mai thấy chúng còn đẹp hơn cả những đóa hồng kề bên. Nó thầm thì, thật ngọt. (Ô hay, mà cũng đã lâu lắm rồi nó chẳng có lúc nào biết nói ngọt như vậy cả).

- Về đi má. Ba về nhà rồi. Tết đang ở nhà mình rồi, vui lắm má…

K.N.T

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​