Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ĐÔI MẮT MÀU NÂU ĐỒNG

 

Truyện ngắn của Trần Thanh Cảnh

(Nguồn: VNĐN số 40 – tháng 11 & 12 năm 2020)

 


 Hôm nay đại uý pháo binh hồi hưu Trương Ngọc Phan đến câu lạc bộ bóng chuyền hơi của nhà K, khu đô thị Việt Hưng đăng ký làm thành viên.

 Bước vào nhà sinh hoạt cộng đồng, Phan nhìn thấy một phụ nữ đứng tuổi đang cắm cúi ghi chép trên quyển sổ. Phan cất tiếng: “Chào chị. Tôi đến đăng ký tham gia đội bóng. Tôi phải gặp ai đây ạ?”.

 Người phụ nữ ngẩng đầu lên. Một thoáng ngỡ ngàng, rồi lập tức reo vang: “Thủ trưởng Phan! Anh nhận ra em không? Em Lành quân y sĩ đây…”.

 Lành thì làm sao Phan quên được. Cả hai nhìn nhau, rồi bỗng nhiên cùng cười. Không biết Lành nghĩ gì, nhưng khuôn mặt của một người phụ nữ trung niên bỗng thoáng hồng, và đôi mắt, chợt long lanh như thiếu nữ. Trong một thoáng, Phan sững người khi nhìn thẳng vào đôi mắt Lành. Một đôi mắt có màu rất lạ. Màu nâu đồng. Phan chợt nhớ đến đôi mắt người bạn thân thiết của Phan hồi còn tại ngũ. Cũng màu nâu đồng, trong sáng, dịu dàng, tận tuỵ, thông minh…

***

Đôi mắt màu nâu đồng - Quang Hoàng.jpg
Minh họa: Quang Hoàng

 Đại uý Phan về hưu năm bốn mươi tám tuổi theo luật sĩ quan. Và cũng cả do quân đội lúc đó đang giải trừ quân bị nữa.

 Từ ngày hồi hưu, đại uý Phan hầu như không đọc báo, xem phim. Ngài chỉ trồng hoa phong lan và nuôi vài con chim gáy trên sân thượng ngôi nhà ba tầng mặt phố, mà vợ ngài, sau mấy chục năm, lăn lộn, chắt bóp, làm thêm đủ các nghề mới xây lên được. Sáng sáng, trưa trưa, ngài lên sân thượng, pha một ấm trà Thái, rủ mấy ông bạn cùng tổ hưu, uống, đánh cờ và nghe chim gáy hót, cúc cu, cúc cu… vui ra phết.

Nhưng sự đời là, thú vui nào chơi mãi cũng chán. Dần dần ngài thấy mấy cây phong lan, mấy con chim gáy cũng nhạt hoét. Vả lại, mấy ông bạn ở tổ hưu trong phố không phải lúc nào cũng có thời gian mà hầu chuyện ngài được. Vợ ngài, đang quen sống theo cảnh vợ lính, thỉnh thoảng mới được gặp nhau, quen rồi. Nay ngày nào cũng ở với nhau, mới thì thấy thích, ít lâu sau bắt đầu thấy… thế nào ấy, không quen! Khổ nỗi là do vợ ngài kém ngài có một tuổi, khí thế đàn bà hao hụt nhiều rồi, mà ngài thì vẫn còn sung lắm. Thế nên, bà bác sĩ trưởng khoa hay lảng tránh ngài. Có hôm còn viện lí do trực để ngủ luôn tại cơ quan… Đại uý pháo binh hồi hưu Trương Ngọc Phan bắt đầu thấy bí bách, ngài chả biết làm gì cho tiêu hết thời gian. Vừa đúng lúc, câu lạc bộ bóng chuyền của người hơi có tuổi ở khu đô thị Việt Hưng gần đấy tổ chức, kêu gọi mọi người tham gia, thế là Phan đến đăng ký.

 Từ hồi thanh niên đến giờ, Phan vốn có một cuộc sống khá lành mạnh. Phan luôn tuân thủ câu châm ngôn “cơm nhà, ấy vợ, đếch sợ gì ai”. Tuyệt nhiên không bồ bịch em út gì, mặc dù cuộc đời lính của ngài trải ba mươi năm dài suốt từ Nam ra Bắc, không phải là không có cơ hội. Ngày Phan làm tiểu đoàn trưởng (quân đội hay gọi tắt là “dê trưởng”) pháo cao xạ trực thuộc quân khu, đơn vị đóng quân ở một miền đồi trung du, trồng toàn những cây bạch đàn rất đẹp. Tại tiểu đoàn bộ có biên chế một nữ quân y sĩ tên Lành, phụ trách việc chăm sóc sức khoẻ cho cả đơn vị. Lành vừa tốt nghiệp Trung cấp quân y, chưa chồng, được điều về tiểu đoàn Phan. Lành khá xinh. Thân thể tràn trề nữ tính. Mặc dù suốt ngày quân phục chỉnh tề, nhưng những đường cong của Lành vẫn làm cho cánh sĩ quan, lính trẻ ngẩn ngơ. Khuôn mặt Lành phúc hậu dịu dàng. Dường như đôi mắt to có cặp con ngươi màu nâu đồng làm cho người đối diện luôn có cảm giác về một cô gái hiền hậu đáng yêu. Một nữ quân y sĩ xinh đẹp sống trong một đơn vị pháo cao xạ đa số là sĩ quan, lính tráng chưa vợ thì quả thật là số một. Lành là đối tượng tăm tia của hầu hết cánh sĩ quan trẻ trong đơn vị. Nhưng không hiểu sao, Lành lại chả để ý gì đến tâm tình của họ, mà cô lại có vẻ thích Phan. Nữ quân y sĩ Lành cảm tình và chăm sóc dê trưởng Phan ra mặt, không cần giấu giếm. Nữ quân y sĩ ra vào phòng dê trưởng tự nhiên như không. Lúc thì mang cơm, lúc thì mang nước, lúc thì lại vào hỏi han xem hôm nay: “Thủ trưởng xuống đơn vị kiểm tra, trời nắng thế có bị mệt chỗ nào không?”. Những sự chăm sóc của Lành đối với Phan hình như càng ngày âu yếm. Nó vượt qua cái chức phận của một quân y sĩ với thủ trưởng. Phan không phải là không cảm nhận được tình cảm của Lành dành cho mình. Có lúc, dê trưởng Phan đã muốn bỏ mặc, buông xuôi cho mình sống theo cảm xúc. Nhưng rồi phải nghiến răng lại mà dằn mình xuống. Phan nghĩ đến vợ vất vả, tần tảo, vừa làm việc, vừa học, vừa nuôi hai đứa con thơ… Vả lại, mình đường đường phương diện quốc gia, đứng đầu một đơn vị, không làm ẩu được. Phan đành nhắm mắt bỏ qua những khêu gợi ngày càng táo tợn của Lành. Phan thầm tính, lúc nào lên quân khu họp sẽ xin trên đổi một y sĩ nam về đơn vị cho nó yên ổn tư tưởng.

Một buổi chiều đầu hè, cơm nước xong, dê trưởng Phan gọi con Mực, một con chó Phan vẫn nuôi làm bạn, vẫy nó cùng đi lên đồi bạch đàn sau nhà dạo mát. Mực là con chó hết sức tinh khôn, nó biết phân biệt đâu là dân đâu là lính. Đêm đến, nó luôn nằm ngủ ngoài sân trước cửa phòng. Chỉ khi nào mưa hoặc sương muối, nó mới vào nằm ở hiên nhà. Cứ nhìn cái cách nó nằm ngủ, áp bụng, xoài bốn chân, để cằm xuống đất là biết nó là một con chó canh nhà tốt đến thế nào. Nhưng tài đặc biệt nhất của Mực đó là bắt gà! Cả đàn gà tăng gia của đơn vị hàng trăm con thả lang thang trên đồi, nhưng cứ chỉ điểm con nào, là Mực đuổi bắt đúng con đó về cho nuôi quân làm thịt. Thế nên, ngài dê trưởng cưng con Mực lắm, đi tắm cũng rủ nó theo tắm cho, ngồi ăn cũng cho nó ngồi cùng, thỉnh thoảng lại gắp cho một miếng… Chiều đầu hè, rừng bạch đàn rất mát, sạch và thơm. Những thân cây bạch đàn khoảng hơn mười năm tuổi, to như cột cái, thẳng tắp, mốc trắng. Cả cánh rừng đang ra hoa trắng xóa, thơm nức. Mùi hoa, mùi tinh dầu ngào ngạt tràn khắp cả một triền đồi thoáng sạch. Gió nhẹ thổi lao xao trên những tán lá xanh nhạt. Cánh rừng trồng toàn một loại bạch đàn, hình như tuyệt nhiên không có một cây ngoại lai nào mọc chen vào được. Dưới mặt đất, chỉ có mấy bụi cây cơm nguội, cây chua me đất, bụi dương xỉ mọc lúp xúp. Thỉnh thoảng, có một khoảng trống mọc toàn cỏ chân gà mềm mượt. Phía xa xa, dưới chân đồi, dân tình vẫn đang cần mẫn làm đồng, có lẽ họ đang thu hoạch lạc ở các chân ruộng cao. Dê trưởng Phan cứ ngồi yên như thế mà thưởng thức hương hoa thiên nhiên ngào ngạt quanh mình. Thỉnh thoảng ngài nằm ngửa ra bãi cỏ, khoan khoái duỗi thẳng chân tay, ngắm trời cao lấp loáng xanh sau tán lá… Con Mực trung thành vẫn luôn ở bên cạnh, ngài ngồi thì nó cũng ngồi, ngài nằm thì nó cũng nằm ngửa, giơ bốn vó lên trời, gáy và lưng nó uốn éo ngọ nguậy trên nền cỏ mượt, nghe chừng khoái trá lắm. Chán, nó lại sấp xuống, rúc mõm vào sườn ngài tin cậy… Trời đang chuyển dần về tối, những bóng người làm dưới chân đồi đã nhòe đi. Bỗng con Mực hực lên một tiếng, nhổm dậy hướng lên phía đỉnh đồi, mắt long lên cảnh giác. Rồi nó vẫy đuôi rối rít, nữ quân y sĩ Lành đi đâu về, đang từ đỉnh đồi xuống.

“Thủ trưởng Phan làm gì mà một thầy một tớ ngồi đây thế này?”.

“À, anh ngồi hóng mát một tí thôi, Lành ngồi đây chơi đi. Mà em đi đâu về muộn thế?”.

“Em vừa gội đầu, lên đỉnh đồi hóng mát cho khô tóc thôi...”.

Nữ quân y sĩ Lành vừa nói, vừa ngồi xuống bên cạnh dê trưởng Phan. Mùi hương bồ kết, hương sả, hương chanh từ mái tóc mới gội của nữ quân y sỹ Lành, hòa cùng với mùi hương hoa của cả cánh rừng bạch đàn, tạo nên một thứ hương thơm rất lạ. Mê nồng. Ngài tiểu đoàn trưởng thấy mình bỗng như bị lạc vào một cõi nào xa xăm vô định. Tiếng nữ quân y sỹ Lành cứ thoang thoảng, thoang thoảng bên tai, chả nghe ra một điều gì rõ rệt. Con Mực ngồi lâu một chỗ, có lẽ cũng cuồng chân, đang chạy nhắng lên từ chân đồi đến đỉnh đồi. Thỉnh thoảng lại nhảy bổ vào một bụi cây cơm nguội, cứ như bị cuồng… Ngồi bên cạnh một người nữ xinh đẹp trên một sườn đồi bạch đàn thơm tho vắng vẻ, đại uý Phan thấy tâm trạng xôn xao khó tả. Đã ba tháng nay, công việc nhiều quá, ngài chưa về thăm vợ được. Ngài dê trưởng thấy mình cứ tự nhiên dần nóng rực lên, căng nhức. Ngài muốn đứng dậy về dưới doanh trại mà chân tay như bị tê liệt. Rồi ngài thấy có một cảm giác ấm nóng mềm mại đến từ phía sau lưng. Và mặt ngài bỗng dưng tràn ngập hương bưởi hương bồ kếp từ mái tóc buông lơi của Lành, đang trùm phủ khắp đầu ngài từ phía đằng sau. Bản năng đàn ông của Phan bùng lên dữ dội quá khiến đầu óc như bị mụ mị, không biết làm gì. Chân tay Phan cuống quýt, lẩy bẩy chưa biết đặt vào đâu thì Lành đã chồm lên, vật ngửa Phan ra, nằm đè lên, miệng tham lam cuống quýt hôn vào khuôn mặt đàn ông góc cạnh của Phan. Tóc của Lành tràn lấp toàn bộ khuôn mặt Phan, bao trùm trong một hương thơm đàn bà nồng nàn khát khao. Lành bật hết cúc áo, ôm đầu Phan, dúi vào bộ ngực đồ sộ, nóng rẫy, thơm nức mùi hương bạch đàn mà vò cọ, day dí. Phan dường như mê man trong cái nồng nàn, nóng bỏng và tinh khiết… Bỗng nữ quân y sỹ Lành ré lên, ngã bật ngửa người ra phía sau, lăn lông lốc xuống theo triền đồi, xống áo tứ tung. Và con Mực thì đuổi theo sủa dữ dội “gâu, gâu, gâu…”. Thì ra Mực đi chơi lang thang trên đồi chán, chạy về chỗ cũ, thấy nữ quân y sỹ đang vật chủ mình ra, tưởng là tình thế nguy cấp, liền can thiệp: nó xông vào ngoạm lưng quân y sỹ Lành lôi ra. May mà nữ quân y sỹ chưa cởi quần, chứ cởi rồi không biết con Mực sẽ ngoạm vào chỗ nào... Ngài dê trưởng vừa buồn cười, vừa xấu hổ, và cả tiếc nữa. Ngài mắng con Mực mấy câu, đi xuống chân đồi, sửa sang quần áo cho nữ quân y sỹ Lành, rồi cả ba cùng về doanh trại. Đã đến giờ sinh hoạt buổi tối…

***

 Nói về chuyện tình yêu thì Đại uý Phan luôn cảm thấy mình thiệt thòi so với đám bạn cùng trang lứa nhưng làm ngoài dân sự. Những lúc ngồi cùng nhau bù khú rượu bia, nghe đám bạn “nổ” vang trời về cái chuyện muôn thưở của cánh đàn ông, Phan chỉ biết cười trừ. Có thằng còn bỗ bã vỗ vai mà bảo: “Mày thật kém tắm! Cả đời khi chỉ biết mỗi cái của vợ!”.

Đại uý Phan cưới vợ thật sự là mối tình đầu. Ngày đang đóng quân ở Campuchia về phép, theo ý kiến của các bậc phụ huynh, sĩ quan Phan đi hỏi vợ. Mọi người giới thiệu vài đám các em trẻ trung, em thì đang là nữ sinh, em thì là giáo viên mới ra trường… chả đám nào thành công. Sĩ quan Phan mất gần nửa kỳ phép mà chưa đâu vào đâu, chán. Một buổi sáng, Phan đang ngồi uống rượu giải sầu một mình ở nhà thì có ông bạn của bố đến rủ cụ đi đánh tổ tôm. Nhìn thấy, ghé vào làm vài chén. Hai tay đàn ông, một già, một trẻ, cách nhau độ ba con giáp, cùng ngồi đối ẩm. Rượu vào lời ra. Ra ngay vấn đề là nhà cũng có cô con gái làm bác sĩ quân y viện trong thành phố, kém Phan một tuổi, chưa có người yêu, ông bố đang lo ế. Thêm vài chén, hai tay đàn ông đã gần như thân thiết, hẹn: “Tối nay tôi gọi con bé về, anh xuống gặp mặt, ưng là tôi gả phắt. Không ưng thì thôi, ta vẫn là anh em!”. Tối đó, xuống gặp, không ngờ sĩ quan pháo binh Phan thấy khoái ngay. Và nữ bác sĩ quân y cũng đồng cảm, cứ như là duyên tiền kiếp vậy. Mọi thủ tục cưới hỏi giải quyết trong vòng một tuần. Đêm tân hôn, mới là lần đầu tiên Phan được biết tường tận thân thể đàn bà, nhưng nữ bác sĩ quân y thì dịu dàng bảo chồng: “Anh yên tâm, em biết rõ mọi thứ mà!”. Nhà chật, con nhỏ, vợ còn đang phải chạy vạy nuôi con vã mồ hôi, còn sức đâu mà nuôi chó… Chia tay, giải tán đơn vị, sĩ quan chiến sĩ mỗi thằng một ngả.

Cái vụ dở dang trên đồi bạch đàn với nữ quân y sĩ Lành do sự can thiệp của con Mực, làm cho dê trưởng Phan và nữ quân y sĩ vừa xấu hổ vừa buồn cười. Thâm tâm cả hai đều muốn lúc nào viết nốt bản tình ca dang dở ấy. Nhưng thật không may, đúng lúc ấy, cấp trên có quyết sách giải trừ quân bị. Hàng loạt đơn vị quân đội bị xoá phiên hiệu, trong đó có cả tiểu đoàn pháo của Phan. Mọi công việc bàn giao, chế độ, chia tay… cứ rối hết cả lên. Cánh chiến sĩ thì khoan khoái vì được ra quân. Còn cánh cán bộ sĩ quan thì lo lắng không biết mình sẽ đi đâu, về đâu. Dê trưởng Phan được cấp trên cho hai lựa chọn, hoặc là về phòng pháo binh quân khu, làm trợ lý. Hoặc là về hưu. Đại uý Phan cảm thấy ba mươi năm quân ngũ của mình là quá đủ cho cái sự cống hiến rồi. Phan xin về hưu. Sĩ quan trong tiểu đoàn mỗi thằng một ngả, xuất ngũ, phục viên, chuyển ngành, xuất khẩu lao động… Tan tác như ong vỡ tổ, chả ai còn tâm trí mà nghĩ đến chuyện gì khác. Nữ quân y sĩ Lành chuyển ngành, về quê làm tại bệnh viện. Uống chén rượu chia tay, nữ quân y sĩ lưu luyến: “Thủ trưởng Phan lúc nào về nhà em chơi nhé!”.

Nhưng hồi đó, vấn đề khiến dê trưởng Phan day dứt nhất không phải là em Lành mà chính là con Mực. Mực là con chó Phan xin ở dân về nuôi từ lúc nó còn bé xíu, chưa cả rời vú mẹ. Nó gắn bó với Phan như hình với bóng. Mỗi bận Phan về tranh thủ cuối tuần với vợ dưới thành phố, phải đi bộ ra quốc lộ đón xe, cách đó khoảng vài cây số. Mực cứ lẽo đẽo đi theo tiễn, không về. Mắng thế nào nó cũng không về. Ra đến chỗ chờ xe, Phan thường ghé vào quán nước ven đường, mua cho nó cái bánh rán hay mấy viên kẹo dồi, dỗ nó ăn, ôm cổ nó bảo:Mày về đi, tao về với vợ rồi mai tao lại lên”. Thế là khi Phan nhảy lên xe khách, Mực mới chạy tắt đồi về doanh trại. Chiều hôm sau, chủ nhật, khi lên đến gần đơn vị, bao giờ Mực cũng ra đón Phan từ cách mấy quả đồi. Nó rít lên ăng ẳng nghe vui sướng lắm, đuôi vẫy rối rít tít mù, dụi đầu vào chân, nhảy lên liếm mặt Phan, rồi lại chạy như một thằng rồ xung quanh Phan…Phan không nghĩ Mực là một con chó, Phan nghĩ nó là một người bạn. Nó không biết nói, nhưng nhiều lúc nhìn vào mắt nó, Phan cảm thấy như là nó không những hiểu Phan nói gì mà còn hiểu được cả tâm trạng của Phan. Thế nhưng, với cánh sĩ quan chiến sĩ ở tiểu đoàn bộ thì chúng chỉ coi Mực như là… một con chó! Đơn vị giải tán, quân hồi vô phèng, thằng nào nhìn thấy con Mực cũng chỉ nghĩ đến giềng mẻ mắm tôm và “con này phải cõng được cái can hai mươi lít rượu!”. Dê trưởng Phan cực kì khó nghĩ. Mang Mực ra chợ bán thì không được rồi. Không lòng nào có thể đem bán người bạn thân thiết với mình như thế. Mang về thành phố cho vợ nuôi thì càng không thể. Anh em nó đề nghị một bữa liên hoan rượu thịt chó cho quên đời… Nhưng mà Phan nhìn vào mắt con Mực, biết rằng mình không thể làm nổi cái việc kinh khủng ấy. Chưa biết tính sao cho tròn. Hôm Phan phải chỉ huy xe lính kéo pháo và trang thiết bị đạn dược về kho quân khu bàn giao niêm cất. Tối mới về đến doanh trại. Thì thấy củi lửa đèn đuốc tưng bừng rộn rã như nhà có giỗ. Mực đã bị biến thành các món hấp, dồi, chả, rựa mận… Phan bước vào nhà ăn, một mùi tanh hôi từ đâu xộc thẳng vào mũi. Lộng óc. Phan choáng váng ngã gục xuống cửa. Bọn lính tráng vội vực Phan sang phòng riêng, gọi y tá ngoài dân vào khám, nói không sao, chỉ bị cảm nhẹ. Cần vụ đi nấu bát cháo trứng, hành, tía tô nóng ăn vào là khỏi ngay! Cuộc vui “RTC” (rượu thịt chó) chia tay đời lính tiếp diễn tưng bừng mà không cần có mặt dê trưởng Phan.

Thằng lính cần vụ của Phan say ríu cả lưỡi, chân nam đá chân chiêu, lảo đảo vào phòng Phan kể chuyện.

Sáng nay, Phan vừa lên xe chỉ huy kéo pháo về quân khu, là cả bọn tiểu đoàn bộ “họp” ngay để quyết định số phận con Mực. “Ý kiến tập thể”, không ai được chống, kể cả dê trưởng Phan! Một “Toà án binh” lưu động được lập ra. Ngồi ghế “Chánh án” là đại uý tham mưu Bùi Huy Tảng, một tay nổi tiếng “rượu cả vò, chó cả con”. “Công tố viên” là trung uý hậu cần Dương Kim Sơn, trình bày sau: “Sáng hôm qua, Mực đang chơi ở trên đồi, một con chó vàng của dân đi qua, nhìn thấy, lao lên, cắn đánh “độp” một cái! Mực chạy về, ốm, bỏ cơm, hiện đang nằm kia!”. “Chánh án” Bùi Huy Tảng đập tay xuống bàn đánh “rầm” và hô “trảm!”. Mực đang nằm ngoài cửa, chưa kịp hiểu chuyện gì thì mấy thằng lính đã xông vào đè nghiến, trói, cắt tiết, thui vàng…

Thằng lính cần vụ uống say quá, kể xong khóc hu hu: “Thủ trưởng ơi, tha tội cho em, em không bảo vệ được con Mực cho thủ trưởng, em thương con Mực quá. Lúc bị trói treo trên cột bóng chuyền ngoài sân, chuẩn bị cắt tiết, nó khóc, nước mắt chảy ròng ròng mà mồm bị trói chặt rồi, không kêu được tiếng nào. Nó cứ ư ử ư ử như trẻ con bị đòn oan ấy. Nó nhìn em cầu cứu mà em quay mặt đi để mặc cho bọn lão Tảng, lão Sơn đè ra cắt tiết nó. Em khốn nạn qúa thủ trưởng ơi, hu hu…”.

Kể từ đó, Phan không bao giờ nuôi chó và cũng không bao giờ ăn thịt chó nữa. Cứ ngửi thấy mùi thịt chó là Phan bị nôn. Nhiều đêm, trong những cơn mê, Phan lại nhìn thấy đôi mắt có cặp con ngươi màu nâu đồng của con Mực hiện lên, nhìn như chọc vào tim, vào óc…

***

 Sau hôm gặp Lành, đại uý hồi hưu Trương Ngọc Phan trở thành cầu thủ tích cực của đội bóng chuyền hơi nhà K- Việt Hưng. Chiều nào Phan cũng vào từ ba giờ. Chưa đến giờ ra sân thì đi dạo quanh vườn hoa gần đấy. Phan và Lành luôn đứng chung một bên. Nhìn Lành bừng bừng khí thế trong bộ đồ thể thao bó sát, nhảy lên đập bóng, đón bóng, chuyền bóng. Phan bỗng thấy như sống lại thời xưa, thời dê trưởng cao xạ pháo…

 Phan mời Lành sau trận bóng ra quán cà phê uống nước.

Lành vui vẻ đi ngay. Lành cũng nhàn, về hưu sớm ra ở với nhà con trai, tiếng là trông cháu. Nhưng các con đi làm, cháu đi học cả ngày nên rỗi rãi, chơi suốt. Lành trẻ ra nhiều. Chăm đi tập bóng chuyền hơi, vóc dáng Lành dường như muốn hồi lại thời thiếu nữ…

 Hai người ngồi đối diện nhau qua chiếc bàn nhỏ, nhìn ra vườn hoa. Họ vừa uống nước vừa nhắc lại những kỷ niệm thời lính. Phan tự nhiên lại thấy mình như đang ngồi trên đồi bạch đàn thưở nào. Tiếng của Lành thoang thoảng mơ hồ bên tai, mùi hương thơm trong ký ức từ đâu tràn trề… Phan cầm bàn tay Lành ấp gọn trong hai tay mình, nói: “Lành này, anh định…”. Lành ngước mắt nhìn lên. Đôi mắt màu nâu đồng sáng lấp lánh tin cậy... Bỗng Lành rút tay ra rất nhanh, rồi cúi xuống dưới gầm bàn. Lành bế lên một con chó nhỏ lông màu ngà, đôi tai to rủ trên mặt tinh khôn hiền hậu. Lành âu yếm nựng: “A Miura, Miura yêu quí của bà. Miura yêu quí thấy bà chưa về đi đón bà đây. Ừ, bà về cho Miura đi tắm thơm tho sạch sẽ nào”. Con Miura được chủ nựng, có vẻ hãnh diện. Nó vẫy tít cái đuôi và ư ử mấy tiếng ra điều thoả mãn. Rồi nó quay đầu sang phía Phan, sủa mấy tiếng: “gâu, gâu, gâu…”. Phan chợt nhìn thấy mắt con Miura cũng màu nâu đồng, trong sáng, dịu dàng, tận tuỵ, thông minh…

Phan đứng dậy đi thẳng về phía nhà mình.

T.T.C

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​