Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TIỀN TÀI NHƯ PHẤN THỔ

Truyện ngắn của Nguyễn Trí

(Nguồn: VNĐN số 40 – tháng 11 & 12 năm 2020)

  

Chồng chết. Trẻ, đẹp và duyên ơi là duyên - vậy mà - Sáu Kỳ ở vậy không bước thêm bước nữa. Thời nầy chứ phong kiến Sáu Kỳ được phong danh hiệu “tiết hạnh khả phong” là chắc cú. Nhưng... thiệt mà nói, chả trự nào, có nuốt cả ký gan hùm, nguyên lạng mật gấu cũng chả dám nhảy vô xin sương phụ chút tình thừa. Biết sao không? Chả là Sáu Kỳ tuy mới ba mươi chín mà những bốn đứa con và đứa trai đầu hai mươi, thằng kề mười tám, hái đứa con gái sinh đôi đà mười sáu. Mười tám Lê Thị Kỳ đã theo Nguyễn Sáu sửa túi nâng khăn thì, con cái chừng đó tuổi là phải rồi. Thằng lớn của Sáu Kỳ tên Bình. Ngoại hiệu là Bình Ma. Bình đi mót mủ trong lô cao su. Nhanh như sóc, ẩn hiện như ma, bảo vệ lô còn gọi Bình là ma huống chi phàm phu. Một đêm trong lô Bình thu cả tạ mủ là thường. Em Bình Ma là Bon. Ngoại hiệu là Bon Thầy Tu. Bon cạo trọc đầu vào lô ở với cậu - anh ruột Sáu Kỳ - là Hai Cục. Ban ngày Bon mặc áo cà sa vàng vừa uống rượu vừa tụng kinh. Tối Bon cởi cà sa mặc đồ thường đi mót mủ. Bị bảo vệ thộp cổ tịch thu mủ nó cũng văng tục như thiên hạ. Vì sao tịch thu? Mủ của nông trường anh vào là ăn cắp. Mót hả? Mủ chứ có phải lúa đâu mà mót? Hai con Lan và Thúy cũng mủ mót và đêm hai ba mươi ký là thường.

Tiền tài như phấn thổ - Hứa Tuấn Anh.jpg
Minh họa: Hứa Tuấn Anh

Bầy con vậy bà mẹ nào dám thêm bước nữa? Và thằng nào dám nhảy vô tòm tem sương phụ? Tội quá thì thôi. Ba mươi chín là tuổi hồi xuân. Nghĩa là xuân đang chín, vậy mà đành ngâm câu đêm dài để lạnh giấc mơ em thì không tội sao đặng. Yên tâm. Sáu Kỳ cũng mủ. Vào lô từ sáu giờ tối đến sáu giờ sáng, ban ngày ngủ một lèo từ tám đến ba giờ chiều hơi sức đâu nữa mà lạnh giấc mơ em. Lúc chồng còn tại vị trên trần ai, Sáu Kỳ còn quăng mẹ nó cái ái tình qua một bên để kiếm cái nuôi con. Chả là ông chồng tên Sáu của Kỳ tệ lắm. Hắn chết bởi xơ gan. Nằm trong bệnh viện mà cho thuốc vào miệng rồi tu ngụm rượu. Còn nói thuốc chung với rượu đích thị là rượu thuốc.

 Đến thời mủ rớt giá thảm thê, thảm đến độ có cho cũng chả ai thèm lấy. Mẹ con Sáu Kỳ kiếm nghiệp khác mần ăn. Bình Ma lấy vợ. Ngay lập tức Sáu Kỳ lấy thước đo dọc đo ngang miếng đất năm sào, chia làm năm phần đều nhau. Bốn đứa con bốn sào, Kỳ một sào. Bình và vợ sống bằng nghề nấu rượu nuôi heo. Hai đứa con gái lấy chồng. Vậy là trên mảnh đất năm sào có bốn căn nhà lợp lá dừa nước. Vì sao bốn? Chả là thằng Bon Thầy Tu giống cha y tạc. Nó lấy rượu làm bạn nên ở với Sáu Kỳ. Bon sáng xỉn chiều say được hai năm thì té cái oành xuống ao. Say quá lại không biết bơi nên theo cha về âm cảnh. Vậy là sào đất của Bon lại chia tiếp ra làm bốn. Sống kiểu có phước cùng hưởng, có họa cùng chia như cái gia đình nầy kể cũng hay. Hay nhứt là lúc năm sào đất có bốn căn nhà, bốn gia đình, bốn sổ hộ khẩu lọt trụm lùm lụm vào cao tốc. Bốn hộ được đền bù một mớ - đủ để lên tái định cư, cất mỗi hộ một căn xây tô nghiêm chỉnh như người lớn. Cất nhà xong Hữu - chồng con Nga - rể lớn Sáu Kỳ vay ngân hàng thêm một mớ, tậu chiếc bốn bánh gia nhập hàng ngũ taxi kiếm sống. Thằng Dũng - chồng con Thanh - rể thứ - làm cái tiệm tạp phẩm mua bán đủ thứ. Thứ chi thiên hạ cần vợ chồng Dũng Thanh có hết. Riêng vợ chồng Bình Ma vẫn nấu rượu nuôi heo. Tái định cư nuôi heo mà được sao? Xin thưa vợ chồng Bình Ma cho phân heo tuôn xuống hố Bi-o-ga. Chuồng trại nằm trong dạng tuần hoàn khép kín. Một ống thông cao cả hai chục mét thì, còn khuya mùi ăm-mô-ni-ắc mới có cơ hội bá vô mũi của tha nhân. Lô thổ của tái định cư những ba trăm mét vuông, dư sức nhà ở, lò rượu và chuồng trại chỉ nuôi chục con heo thịt thì mùi miếc - nếu có - cũng chả chi đáng kể. Sáu Kỳ lúc nầy đã qua rồi xuân sắc. Da tuy chưa mồi tóc chưa bạc nhưng cũng gần gần. Sáu sống nhờ vào lãi ngân hàng. Không nhiều nhưng có dư bởi Sáu ăn ngày có lon gạo. Bầy con xúm lại tậu cho bà má bộ karaoke để hát chơi đỡ buồn. Hạnh phúc vậy chứ sao nữa hỡi ta bà trên thế giới.

Vậy mà vẫn buồn là sao hỡi Sáu Kỳ?

Thưa rằng anh trai là Sáu Kỳ là Hai Cục. Dân quê xứ ta đặt tên con vậy đó. Đã Kỳ thì phải Cục. Trước khi cha má qua đời Hai Cục lấy vợ. Hai ông bà già cho Ba Cục bốn sào đất. Lý do Kỳ nhiều hơn Cục một sào là bởi hai ông bà già ở với Sáu Kỳ. Không ở với con trai là bởi hai ông bà không ưa cô con dâu. Đàn bà con gái chi mà “chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy” lại còn phá trời sợ luôn. Chả biết cô vợ to nhỏ làm sao mà Hai Cục bán bốn sào đất rồi và ấp Sở Bá kiếm sống bằng nghiệp mót mủ. Mót được hai tháng cô vợ ôm sạch bách tiền bán đất đi một hơi như bà già về âm phủ. Buồn quá Hai Cục vừa nốc rượu vừa ca cẩm: “Ôi đàn bà là những niềm đau. Hay đàn bà là ngọc ngà trăng sao. Ôi đàn bà lại là con dao làm tim nhỏ máu. Ôi đàn bà dịu ngọt đêm qua. Ôi đàn bà lạnh lùng đêm nay. Ôi đàn bà là vần thơ say. Khúc nhạc chua cay...”. Cứ chừng đó Hai Cục ca mãi cả đêm lẫn ngày. May mà vào ấp Sở Bá lúc rừng con mênh mông, Hai Cục phát được một chút cất cái chòi, thêm một ít làm cái vườn. Buồn tình buồn đời, buồn nhứt là khi mủ rớt giá. Chả biết làm chi Cục bèn trồng rau, các thứ rau rồi đem ra chợ ấp Một bỏ mối. Ấp Một là nơi Sáu Kỳ cư ngụ. Kỳ bảo với Cục rằng:

- Anh coi đắt rẻ gì bán quách trong Sở Bá rồi ra đây ở với tui cho có anh có em. Có gì tui lo cho. Ở trong đó một mình lỡ trúng gió là chết luôn chứ ai đâu mà nhờ vả.

- Kệ tao - Hai Cục trả lời - mày coi bán giúp tao mớ rau là được rồi.

Cứ thế cho đến ngày Sở Bá được quy hoạch để...

Để làm chi thây kệ ông nhà nước. Công nghiệp hay đường cao tốc hay sân bay cũng kệ ổng. Miễn sao đền bù hợp lý là em đi. Hợp lý nghĩa là phải cho em nơi chốn để ở. Có công ăn việc làm để em sống. Không có em không đi. Bắn cái đùng chết tại chỗ em cũng không sợ. Và - toàn bộ cư dân của ấp Sở Bá từ tạm trú cho đến thường trú rất là ô kê vụ đền bù giải tỏa. Nầy nhé, đất đai loại nào đền bù hợp lý theo loại đó. Đất đóng thuế nông nghiệp loại bốn thì anh không thể buộc quản lý dự án đền bù loại một và ngược lại. Có nhà, có hộ khẩu thường trú anh sẽ được cấp một lô thổ trên tái định cư để ổn định nơi ăn chốn ở. Không ai thắc mắc chi thì ngày nào nhận được tiền đền bù và thổ cư xin quý cô bác dời đi giúp cho. Ai kháng lệnh thì sẽ có biện pháp cưỡng chế đấy nhé. Cán bộ bảo vậy.

Tất cả đều ô kê tức là con gà đen nhưng Hai Cục thì không.

 Đừng tưởng luôn có rượu mà Hai Cục say sưa nghe. Uống rượu ghiền khác với uống chết bỏ. Sáng sớm Cục mở thẩu rượu làm một cái xây chừng rồi ra vườn cuốc đất trồng rau. Chừng nào cái đầu hết lâng lâng thì vào nhà làm thêm ly nữa. Cứ thế cho đến trưa, trưa cho đến chiều. Đói thì cơm cá khô lùa canh nuốt vội. Hôm nào đem rau ra chợ nhờ em gái Sáu Kỳ bỏ mối thì Hai Cục kè bên hông cái bình ton đầy ba xị đế. Đời Cục cứ như ông tiên con bởi luôn luôn là đà trong men rượu. Uống vậy mà không xơ gan là bởi rượu Cục tự nấu. Nếp cái đàng hoàng ủ bằng men gia truyền chứ không hề rượu ở quán mà sợ cồn pha nước lạnh. Phải chi cứ thế cho đến ngày theo ông theo bà về âm phủ thì hay. Đằng này khi khổng khi không, dính vô cái giải tỏa mới thiệt là mệt cho cả nhà Sáu Kỳ luôn chứ một Hai Cục thì nói làm chi cho rối việc.

Chả là từ khi cô vợ ôm cục tiền bán đất ra đi, Cục ở vậy lấy rượu làm vui. Với Cục, rượu so với tình, rượu hơn là chắc cú. Cục bỏ ấp Một xã An Long vào ấp Sở Bá với tư cách tạm trú. Đất đai vừa phá lâm vừa mua lại được hai sào, Cục khai báo chỉ năm trăm mét vuông. Đã ở rừng lại sát nông trường cao su,đất canh tác nơi nầy một cụm nơi kia một thẻo. Ông cố nội ai mà đạc cho được. Cả ban ấp tin vô lời khai của chủ đất để lập hồ sơ lấy thuế. Và xưa nay không nói chắc ai cũng rành dân luôn luôn gian. Ông cha nói “dân gian” chứ không hề là “dân ngay”. Vả lại ngu sao khai nhiều để đóng thuế? Vậy là hai ngàn mét vuông đất trên thực tế thì trong sổ bộ chỉ năm trăm. Năm trăm thì đền bù năm trăm. Và - quan trọng nhất - không vợ không con và tương lai là nấm mộ nên Hai Cục chả thổ cư thổ kiếc gì với cái chòi lợp lá kè. Vậy là sau ba chục năm ngụ cư ấp Sở Bá, nguy cơ ra đi với năm trăm mét vuông đất nông nghiệp loại bốn mỗi mét trăm ngàn bạc, vị chi là năm chục triệu. Mẹ cha ơi. Thế có chết không? Đến cái nước nầy Hai Cục mới tỉnh rượu để biết rằng tương lai là nấm mộ nhưng chưa chết thì mộ đâu mà tương.

Vậy là Hai Cục phi về em gái Sáu Kỳ. Chà... rối đa nghe. Sự đời xưa nay luôn lấy giấy trắng mực đen làm bằng. Xưa khai bao nhiêu giờ nhận bấy nhiêu cãi vào đâu được. Đành chấp nhận thôi. Nhưng Hai Cục vốn liều. Theo vợ cãi lời cha mẹ bán đất bán đai, vợ bỏ lại ở vậy chơi với ba xị đế thì liều có hạng chứ chơi sao. Cục nói:

- Tao không đi đâu hết nếu không đền bù đủ cho tao. Không cho đất ở tao ra đường cho xe cán. Lấy đất của tao mà không cho thổ cư là không được.

- Ông đừng có mà liều mạng - Sáu Kỳ nói - về đây ở với tui.

- Không. Tao một mình quen rồi.

 Nghe chuyện. Thằng Hữu, chủ nhân của một taxi, con rể lớn của Sáu Kỳ có mặt. Thằng nầy ôm vô lăng lấy đường sá làm nhà nên sành chuyện đông tây kim cổ lắm. Hữu nói với ông cậu và bà má vợ:

- Ông cậu với má yên tâm đi. Để con làm cho cậu một cái đơn xin cứu xét. Thực tế làm sao ta trình bày vậy. Chả mất mát chi đâu mà lo. Nhưng mà truy thu thuế nông nghiệp thì cũng hơi bồn bộn à.

Bà má vợ nói:

- Chung chi cũng sạch bách con ơi. Mấy thằng cán bộ xã mình tao rành quá.

- Chung chi xưa rồi má ơi. Ông giám đốc công an mới đưa cả công an tỉnh về đứng chân tận xã. Cán bộ nào nhận chung chi là uống thuốc liều. Để vụ này con lo cho.

Vậy là Hữu làm đơn lên ấp lên xã, lên cả ban quản lý dự án. Lúc nầy cả xã An Long, cả ấp Một và ấp Sở Bá mời thòi ra một gã bỏ ấp nầy vào ấp khác đang có mặt trên đời. Đã thế hắn ta còn là chủ của hai ngàn mét đất. Vậy là....

Mẹ cha ơi... Chủ tịch xã xuất xứ là nông dân nên rất chi bình dân. Ông gọi phó ban công an chủ trì vụ hộ khẩu lên hỏi. Phó lật sổ hộ tịch thưa rằng Lê Văn Cục và vợ là Trần Thị Chín vẫn tại vị ở trang mười bốn, cuốn một của ấp Một xã An Long. Vậy là chuyện cô vợ bỏ đi gã chồng không khai báo. Cán bộ ta cũng không biết luôn. Chủ tịch gọi trưởng ban địa chính xã hỏi về tình hình đất đai của Lê Văn Cục trong ấp Sở Bá. Địa chính... dạ... dạ... ông Sáu có năm trăm mét đất nông nghiệp loại bốn. Thế sao bấy giờ lại là hai ngàn? Chú vô Sở Bá coi rồi về báo lại cho tôi...

Cán bố ấp Sở Bá cũng đến mệt. Tất cả theo Hữu đến cái chòi của Lê Văn Cục. Cục đang khề khà bên chén rượu với tiết canh lòng lợn:

- Thời buổi nầy mà còn dám tiết canh thì ông cũng gan dữ nghe Hai Cục.

- Gan góc chi. Sống chết có số mày ơi.

- Đất đai của ông ngoại trừ miếng nầy con miếng nào nữa?

Vậy là Hai Cục làm một hơi hết chén rượu rồi dẫn cán bộ đi mục sở thị. Bên tây một miếng tám trăm mét trồng điều. Bên đông cũng điều diện tích là bẩy trăm. Cán bộ hỏi:

- Ông khai thác miếng đất nầy bao nhiêu năm rồi mà không khai báo.

- Năm năm.

- Cây điều già hơn ông mà năm năm nghĩa là làm sao?

- Hai miếng nầy tao mua lại của vợ chồng thằng Hiền. Làm ăn thất bát quá nên nó bán cho tao để về quê.

Vậy là thòi ra vụ mua bán bằng miệng của một cư dân tạm trú nào đó mà cán bộ mù tăm cái vụ biết. Việc nầy mà đến tai chủ tịch chắc về vườn đuổi gà cho vợ quá. Nguy nhất là mọi sự từ diện tích cho đến nhà ở đã báo cho ban quản lý dự án lên danh sách đền bù. Nay báo lại làm sao được.

- Thiệt là mệt cho ông quá Hai Cục ơi! - Một cán bộ than thở.

- Mệt mặc kệ mày chớ - Hai Cục ngang bướng trả lời - đất của tao mà không đền bù là tao không đi. Thiên long bát bộ có hét tám tiếng tao cũng không rời nửa bước.

Mẹ cha ơi... lôi cả bát bộ thiên long ra để ví là thứ không phải vừa.

Và trong khi thằng con rể Hữu lo vụ đơn từ cứu xét thì bà má vợ Sáu Kỳ lân la đến mấy quán cà phê - nơi - tập trung mấy con cò đất. Sáu Kỳ quá xá rành câu “nén bạc đâm toạc tờ giấy” và “đa kim ngân phá luật lệ”. Vụ nầy không nhờ cò móc mở ngoặc với địa chính xã là không xong. Và:

- Mua bán đất đai thì được chứ biến hóa từ năm năm lên hai ngàn là không dám đâu thím Sáu ơi.

- Làm gì mà hổng dám. Con trai Chín Diện vẫn trưởng địa chính xã nầy chứ ai vô mà không dám?

- Xưa thì được. Từ ngày công an tỉnh về đứng chân địa bàn xã thì có cả tấn vàng cũng chả ai dám tay trắng tay đen.

Cả đám cò cùng chung một giọng rằng thì là... từ ngày thay ông giám đốc công an tỉnh, xã hội đen phố lớn chết đuối luôn chứ chìm xuồng là chuyện nhỏ. Tất cả đang làm mới để lấy lại uy phong trong mắt dân tình... Tui nói ít làm ơn hiểu nhiều dùm cái Sáu Kỳ ơi. Một con cò đã có tuổi từng thả thính thuở Sáu Kỳ mới góa bụa nhưng không được bảo vậy. Vậy là coi như tiêu. Tiền mà cán bộ chê là đổi đời rồi đa nghe. Vụ nầy mới à.

 Thằng rể taxi nói:

- Con nói rồi... không ông nào dám thò tay mặt, đặt tay trái đâu mà cò có việc để làm. Con đã gặp lãnh đạo ban quản lý dự án rồi. Họ hứa sẽ giải quyết khi bên xã mình xác nhận vấn đề. Vụ nầy con lo được. Má và ông cậu cứ yên tâm.

- Chắc không đó?

- Trăm phần trăm. Hên cho ông cậu là tình hình xã hội trên mọi mặt đang hết sức đi vào cái quỹ đạo gọi là công bằng. Mà muốn có công bằng thì phải liêm chính công minh. Không ai dám ăn nữa đâu mà lo. Một chứ một chục như ông cậu cũng phải giải quyết vấn đề cho hợp tình. Tình lý không phân minh họ kiện lên trên là đội chuối khô đi âm phủ liền.

Y như rằng... tuy hơi lâu một chút nhưng đất đai của Hai Cục đâu ra đó rõ nét. Hai ngàn mét đất nông nghiệp loại bốn là hai trăm triệu, chưa kể hoa màu các cái linh tinh vài chục nữa. Cả cái giếng đào cũng có tiền luôn. Hai Cục được một lô thổ trên tái định cư. Ngon quá xá ể. Thiên hạ nói:

- Hai Cục ngó khùng khùng vậy mà ngon nghe. Mụ nào bá vô lão bây giờ là hết luôn cả ý.

- Ổng khùng chớ đâu có ngu cha nội ơi.

- Nhưng mà...

- Nhưng nhị gì?

- Hai Cục sắp cưỡi hạc quy tiên rồi. Tiền bạc và thổ cư... khà khà khà... sẽ có một cuộc chiến nổ ra trong nhà Sáu Kỳ. Đền bù hai trăm triệu chỉ là chuyện nhỏ. Lô thổ trong tái định cư giờ nầy là mấy tỷ ông biết không?

- Ái chà... cha Xuân mới lên tỷ phú nhờ bán một lô.

- Đó đó... ba tỷ bạc là cả một gia tài... Thằng Hữu đâu có rảnh mà bỏ công bỏ chuyện làm giúp ông cậu. Tui nói ông hiểu không? Hãy tưởng tượng sau khi Hai Cục chết mọi việc sẽ ra sao?

- Tưởng gì kỳ vậy cha?

- Nghe nè... tui hay ông hay bất kỳ ai rồi cũng ngủm cù đeo. Của cải nên chia cho con cháu trước khi chết. Hai Cục chia cho ai... khà khà... Không chiến tranh mới lạ à. Ông có nghe vụ một mét đất mà ông anh xách rựa chém cả nhà thằng em không?

Đúng là cái miệng ăn mắm ăn muối nói linh như miểu bà. Chiều hôm ấy tàn tàn đạp xe về Sở Bá thì, một chiếc tải tô nhẹ một phát đủ đưa Hai Cục về âm phủ.

***

Thật là khốn khổ khốn nạn cho những ai kiếm ăn bằng vô lăng mà, một hôm kia gặp trúng một xỉn say xem đường quốc gia là sân nhà. Ưng sao chạy vậy khi có rượu thì thánh còn trở tay không kịp nói chi người phàm. Ngã tư đang đỏ đèn mà ỷ thế xe đạp nên Hai Cục phang đại. Nhưng mà luật đâu ra đó rõ nét đa nghe. Chuyện xe nhỏ tông xe lớn rồi bắt xe lớn bồi thường là xưa rồi Diễm ơi.

Không bị quy trách nhiệm nhưng tang ma thì sao? Rất may cho chủ xe tải là gia đình Sáu Kỳ chả buộc chả thắt chi hết. Sau đám, ngoại trừ bãi nại để chủ xe có đường làm ăn, Sáu Kỳ còn trả lại cái phong bao cả ba chục triệu bạc chủ xe chịu trách nhiệm hỏa thiêu. Sáu nói:

- Xe chú mày trả góp chưa xong nay gặp cái ách này cũng xui xẻo quá. Lấy đồng bạc của mày thì Hai Cục cũng khó mà siêu. Cầm về đi, gia đình tao lo được.

Thiệt là quý hóa quá. Nhưng tang ma chỉ là chuyện nhỏ. Lớn chuyện là cái di chúc có công chứng của phòng công chứng huyện. Và người chứng là chủ tịch và trưởng ban công an xã An Long mới là linh hiển. Và, thể theo yêu cầu của Hai Cục lúc tại vị trên trần gian là, di chúc sẽ được đọc trong cái giờ chuẩn bị liệm xác vô quan tài. Cô bác xúm đông xúm đỏ nghe cho biết di chúc nói cái chi. Nhưng tất cả bổ ngửa khi Hai Cục chả để lại cho bất kỳ ai trong nhà Sáu Kỳ dù chỉ một xu. Hữu - chủ xe kiêm tài xế taxi - người đã ra tay từ a đên â để Hai Cục có cả cục tiền cũng không xu nào. Bao nhiêu Cục làm từ thiện ráo.Thế có lạ không?

Vậy nên mới có chuyện ta bà ấp Một, những vô công rỗi nghề từ hưu trí cho đến thất nghiệp - những quý ông quý bà - sáng nào cũng ghé quán cà phê cóc Bảy Thả để đấu láo, cái quán này cũng là nơi ông chủ tịch xã rất chi bình dân vẫn ghé để nói chuyện trên trời dưới biển. Và sáng hôm ấy đã có một luận bàn không hề nhỏ về gia đình Sáu Kỳ của ta bà trước khi ông chủ tịch bình dân đến:

- Mẹ cha ơi... Hai Cục không để cho của nả cho gia đình Sáu Kỳ. Vô lý thiệt. Là sao vậy quý ông quý bà?

- Ai biết. Biết chết liền. Hay là gia đình Sáu Kỳ giàu quá nên không thèm tiền nữa.

- Tỷ phú đô la còn thèm nói chi Sáu Kỳ chỉ mới đủ ăn chứ chưa có dư đâu mà không thèm.

- Vậy thì tại sao?

Đúng lúc đó ông chủ tịch bình dân vào quán để làm cái đen nóng như thường lệ. Một tóc bạc da mồi hỏi:

- Ê... Phong - tên của ông chủ tịch - mày với thằng Bảo trưởng ban công an xã mình làm chứng cho cái di chúc của Hai Cục. Sao nó không để của nả cho em út con cháu mà từ thiện, mày nói cho tao thông được không?

Chủ tịch xã Phong mới bốn mươi một chút vả lại, đang trong cà phê cóc nên ông già bảy mươi tuổi mày tao âu cũng sự thường. Tuy chủ tịch nhưng Phong vẫn bên trời cười với biển ha ha nên cô bác khoái lắm:

- Lúc ba Cục đến nhà nhờ làm chứng con cũng hơi ngạc nhiên nhưng, đầu têu của sự vụ là do gia đình Sáu Kỳ chủ trương...

Rằng Hai Cục chừng như linh tính mình sắp về với ông bà nên tính rút tiền gửi ngân hàng, bán luôn cả thổ cư rồi chia đều cho con cháu. Nhưng Sáu Kỳ nói với anh trai:

Kiếp trước ông mắc nợ trần gian hơi nhiều nên đã bị vợ lấy sạch của nả còn không con không cái để nương nhờ. Ông nên từ thiện cho cơ nhỡ, cho chùa chiền, cho nhà thờ để khi chết có cơ hội mà nam mô phật nam mô pháp nam mô tăng, nam mô nhứt thiết siêu thăng thượng đài. Cháu kêu ông bằng cậu hay tôi giờ cũng qua rồi cái khổ của thời chạy kiếm cái ăn. Nhưng cũng còn đó rất nhiều những kẻ mà đồng bạc vẫn to hơn bánh xe bò. Nên từ thiện cho họ là hơn.

Bầy con dâu rể của Sáu Kỳ cùng ngửa mặt ha hả cười mà rằng:

Con kiếm sống được cậu ơi. Tiền nhiều mà không do mồ hôi đổ ra thì nhiều như Năm Cam cũng có ngày sạch bách. Của làm ra mới thiệt của trong nhà đó cậu!

 Chả ai chê tiền hết - Sáu Kỳ tiếp tục - tao từng vào lô ăn trộm mủ cao su để kiếm sống. Nhưng khi có, chả hơi sức đâu nữa mà trộm ngoại trừ những ai xem trộm cắp như một cái nghề và bọn lỡ sa chân vô cái gọi là xì ke xì cọc. Ông chi đó nói phú quý sinh lễ nghĩa bần cùng sinh đạo tặc là chính xác. Khi thoát được bần cùng thì cái “tính bản thiện” trở lại với những ai được gọi là người.

Và đã là người thì tiền tài như phấn thổ.

 

N.T

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​