Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
TẤM HÌNH

Truyện ngắn của Trần Thúc Hà

(Nguồn: VNĐN số 41 – tháng 01 & 02 năm 2021)

 

 Tấm hình.jpg
Minh họa: Quang Hoàng

Tôi vào làm công nhân khi các khu công nghiệp Nhơn Trạch mới phát triển. Sau mấy năm tằn tiện đồng lương và thấy có thể an cư nơi này, nơi còn thưa dân, đất còn rẻ tôi bèn nghĩ đến đi mua một đám đất nhỏ để làm nhà và tính đến chuyện vợ con lâu dài vừa thoát khỏi cái cảnh chui rúc nhà trọ quá vất vả.

Tôi không thạo lắm về cách chọn đất làm nhà. Có người bảo hướng đông nam là tốt nhất, người nói lưng triền đồi thoai thoải mặt trông về phía những khoảng đất bằng có đồng ruộng, có con sông chảy qua được cả nắng gió được cả tầm nhìn. Chọn được đất như thế là đúng với cách dựng nhà theo sách phong thủy. Vậy mà không hiểu sao dễ có đến ba bốn tháng khi tôi đã đặt chân lên hàng chục mảnh đất có thế đẹp vẫn không níu chân tôi, trong lòng lại có điều gì đó băn khoăn, lưỡng lự và hối thúc tôi đi nữa. Đi cho biết đó biết đây.

Tôi lần theo miệt vườn có từ trước. Nơi đây làn sóng công nghiệp, đô thị hóa chưa mấy tác động. Đất, người, nhà còn thưa thớt, giữ được cảnh yên ả của miền quê. Vườn cây ăn trái trĩu quả. Có tiếng chim và không khí trong lành. Sáng, chiều đàn gà lục cục trước sân đòi thóc. Nhìn cảnh vật tôi nhớ đến quê.

Quê tôi ở mạn trên sông Linh, ngoài Bắc. Làng trải dài theo những gò đất thấp. Tuy đất vườn ít ỏi nhưng được cái về mùa lũ phù sa bồi đắp chân ruộng nên lúa khoai đều tốt lắm. Nhà ai có sức gánh đất mùn lên vườn cao trồng cam quýt quả sai lắm nhưng cũng thiếu ăn. Bố mẹ tôi mấp mé tuổi năm mươi, làm nông. Mấy năm trở lại đây khá giả hẳn lên, thỏa mãn nhu cầu người nhà quê nhưng không thể giàu lên được, vì quê tôi người đông, đất có hạn. Tôi học xong trung cấp kỹ thuật thì bạn bè rũ nhau vào Nam lập nghiệp. Tôi còn có bà nội nay đã ngoài bảy mươi lăm tuổi, ở với bố tôi – mẹ tôi mất cách đây mấy năm. Thường ngày bà vui vầy với con cháu chứ trong lòng đau đáu nhớ đến người con thứ - chú tôi đã hy sinh. Không đêm nào là bà không nằm mơ thấy chú tôi hồn lẫn khuất đâu đó. Chú tôi, Nguyễn Văn Hòa, nhập ngũ năm 1967 lúc mười chín tuổi, vào chiến trường miền Nam. Đâu khoảng chừng năm năm sau  bà tôi nhận được giấy báo tử chú tôi hy sinh năm 1971. Mong ước duy nhất của bà tôi trước khi nhắm mắt là tìm được hài cốt của con để quy tụ hương khói với ông bà. Mấy chục năm cha tôi lặn lội hết nơi này đến nơi khác cũng chỉ được thông tin duy nhất chú tôi hy sinh, hài cốt đâu đó chưa tìm ra được. Hồi tôi đang ở nhà, những bữa ăn có đầy đủ cá thịt bà tôi lại rưng rưng nước mắt: Tội nghiệp thằng Hòa. Hôm đi nhập ngũ đã không được bữa ăn no mà bát cơm còn lẫn khoai. Nhiều lúc nửa đêm cha tôi tỉnh dậy, thấy bà tôi đốt nén nhang ngồi ở hiên nhà khấn thầm trời đất, lòng cha tôi thắt lại, dìu bà vào. Tôi lớn lên khi đất nước đã hòa bình. Tuổi trẻ chúng tôi chưa cảm nhận được hết, không chứng kiến mất mát của chiến tranh nhưng qua hình ảnh của bà tôi, chúng tôi hiểu không có nỗi đau nàongười thân chết vì bom đạn mà cả một đời người không sao xóa nhòa được.

Ban đầu là nhu cầu tìm đất làm nhà. Nhưng sau như một cái lệ hể được ngày nghỉ là đi. Đi để được thay đổi môi trường, được nhìn những vười cây thân quen, được hưởng không khí trong lành chốn làng quê mà suốt năm ngày trong tuần lễ với những tiếng máy ầm ỉ, những dây chuyền sản xuất không rời tay rời mắt nên ngày nghỉ nào không đi là nhớ, lại có điều gì cuốn hút tôi một cách mãnh liệt. Hôm ấy tôi dừng chân tại một khu vườn. Phía đằng trước có một con rạch nhỏ chảy qua từ đâu tôi không được rõ, chỉ biết nó chảy ra tận sông Sài Gòn chừng trên dưới một cây số. Con rạch ấy sâu độ quá đầu người, chiều ngang có đến mười lăm mét khi nước xuống, nhưng khi nước lên tràn ra phía bên kia một vùng rộng lớn sình lầy chằng chịch cây dừa nước, có nhiều loại chim, tôm cá sinh sống. Bên này là những triền đất cao ráo, thưa thớt có người ở, nhà cách nhà kể cũng đến năm bảy chục mét, có khi không thấy nhà nhau bởi những cây ăn quả sum suê che lấp.  Đất ấy, rạch ấy, bãi ấy phát triển trồng gì, nuôi con gì cũng thuận tiện, không thể nghèo. Tôi ngắm nhìn không biết chán. Và lạ thay có điều gì đó dậy lên trong lòng tôi, níu kéo chân tôi lại, buộc tôi chăm chú hơn. Tôi nhận ra trước khu vườn, của một căn nhà lá cạnh con rạch trên một mô đất có ngôi miếu nhỏ và nấm mộ. Trong ngôi miếu có bình hoa tươi, một đĩa hoa quả và chiếc lư hương với mấy bao nhang. Những chân nhang cũ và mới tiếp cắm đầy trên chiếc lư hương. Chẳng hiểu sao từ ngôi miếu đến ngôi mộ làm tôi thấy có điều gì đó thiêng liêng lắm. Tôi sực nhớ đến làng tôi, dưới một gốc cây đa to lớn bao trùm cả một khoảng đất rộng cũng có một ngôi miếu nhỏ. Ngày rằm mồng một dân làng thường ra đó thắp nhang. Đôi khi có người cầu mong một điều gì cũng ra đấy khấn cầu. Tôi vội đốt một nén nhang cắm lên lư hương trong miếu, khấn vái cho tôi tìm mua được một đám đất vừa ý. Một bà má chậm rãi bước chân đã có phần yếu từ trong nhà ra. Bà má lên tiếng: Nè! Cháu đi đâu đó? Có lòng thành thắp nhang vậy là tốt. Bà má đâu chừng tuổi bà nội tôi, tóc má bạc trắng, khuôn mặt đầy vết nhăn, phúc hậu. Tôi đáp: Cháu định đi kiếm miếng đất làm nhà. Tôi chú ý điều gây ấn tượng đối với tôi lúc này nên tôi hỏi má: Thưa má! Nấm mộ và miếu thờ ai đấy ạ? Má nói: để tao thắp nén nhang rồi tao sẽ nói. Tôi thấy nét mặt má thành kính vái ba vái rồi nói: Ngôi miếu và nấm mộ thờ thần đấy! Không phải thần mà cũng như thần. Thần ra đi lúc thần còn trẻ lắm, đâu chừng hai ba hai bốn tuổi gì đó. Trước khi hóa thần nó trồng cho má mấy gốc xoài. Đã mấy mươi năm qua vụ nào xoài cũng sai quả. Con cái nhà ai mà dễ thương, tốt bụng lắm. Tôi ngỡ bà có tuổi lẩn thẩn khi gọi là thần khi gọi là nó. Tôi có ý dìu bà vào nhà vì sắp có cơn mưa chiều. Bà xua tay: Tao còn mạnh. Vào nhà tao kể cho mày nghe. Tao rất mong người cần gặp mà chưa gặp. Tao có nhắm mắt cũng không yên lòng.

Chuyện của má kể cho tôi hay…

Năm 1971 vùng quê của má là vùng đệm của hai bên. Ta kiểm soát phần lớn thời gian. Bọn Mỹ ngụy lâu lâu chúng mở một trận càn để đẩy lực lượng của ta  ra xa hơn. Năm đó, một tốp ba đứa trai tráng về vùng má. Chúng bảo thời buổi giặc giả công việc làm ăn khó quá. Nghe lời mấy ông chủ người Hoa đi bắt cá sấu trong đám sình lầy sông nước về bán cho họ, biết rằng công việc nguy hiểm, vẫn làm. Mỗi đứa mỗi nhà. Nhà bên cạnh có thằng Tiến, nhà phía trên đó thằng Đại, Thằng Hòa đứa trẻ nhất trong nhà má. Không ai khiến nó nhưng ban ngày nó ra cuốc vườn trồng củ mì củ lang. Chiều đến, chúng nó mới gọi nhau lội bộ đi bắt cá sấu. Cả tuần chẳng thấy chúng bắt được con nào. Mà vùng này cá sấu đôi khi cũng vào trong lạch, chứ chưa nói đến lội đến gần sông lớn nơi ấy có nhiều cá sấu, có loại hung dữ háu ăn thịt người, lại chóng đẻ của bọn Mỹ đưa từ Úc vào để ngăn chặn đặc công nước của ta. Hỏi thì chúng bảo chưa tìm thấy cá sấu dài trên một mét rưỡi, da sần sùi mốc meo, màu nâu đất như nhà chủ đã dặn. Dối với ai thì được, chứ gạt má không xong, dù chúng có đủ đồ nghề rọ sắt, cây chỉa ba cạnh, cái nạng dùng để dìm cá , giây thòng lọng để siết cá. Chúng nó không phải nghề đó bởi cử chỉ ăn nói khiêm tốn lễ độ, đôi khi chúng chụm đầu lại với nhau, vẻ mặt căng thẳng mà dân chúng làm ăn bình thường không ai như chúng. Hơn nữa, cá sấu không mấy ai đi bắt ban đêm. Đã khó nhìn chúng nó mà nguy hiểm hơn ban ngày. Chúng càng bày đặt ra má càng thương! Má biết nguy hiểm đang rình rập chờ chúng ngay từ lúc lội xuống sông nước. Ngoài lũ cá sấu lại còn thủy lôi, tàu bè Mỹ giăng đầy trên mặt sông. Gần cả mươi ngày, đêm hôm chúng nó đi về mặt mày đứa nào đứa nấy đen xạm hốc hác. Có quả trứng gà, nải chuối vườn má để dành cho, chúng nó đều từ chối. Bát cơm lẫn khoai, củ mì thì chúng nó xin. Thương quá, má mắng: Tụi bây cũng có cha có mẹ ở ngoài Bắc. Vì bọn cướp Mỹ tụi bây mới xa nhà vào đây đánh giặc, không tiếc thân. Tao lại đi tiếc ba cái vặt vãnh ấy. Bây phải ăn uống cho có sức mà hoàn thành nhiệm vụ. Hòa nắm tay má áp vào ngực mình: Má! Má thương chúng con quá. Má đừng để lộ chuyện chúng con má nhé! Má nói: Mày tưởng tao ngu lắm hả? Tao không biết giữ bí mật à? Thằng Mỹ, thằng ngụy đến đây có cạy răng ra tao cũng không hé cho nó nửa lời. Nó cười mà nước mắt ứa ra.

Rồi một buổi chiều nó nói chúng con đi bắt cá sấu đây. Nhưng má biết chúng nó là đặc công nước, đêm nay vào trận. Má tiễn nó đến nơi đầu vườn gần bờ rạch. Nó ôm choàng lấy má tươi cười: Con đi má nhé! Má nói: Con đi mạnh giỏi! Nhớ về với má. Nó dạ. Đêm ấy má không ngủ. Má nhìn theo hướng nó ra đi. Khoảng một giờ sáng má thấy một ánh chớp rực sáng cả bầu trời phía bờ sông Sài Gòn và tiếp những tiếng nổ dữ dội. Đâu chừng bốn giờ sáng chúng nó kéo nhau về nhưng trông thật thương tâm: Thằng Tiến đứt lìa một cánh tay, một vết xước trên trán máu loan cả mặt do những mảnh sắt bắn vào. Thằng Hòa ở nhà má chết vì sức ép quá lớn của khối thuốc nổ. Chỉ có thằng Đại không thương tích gì, hắn cõng thằng Hòa vào nhà má. Đại kể cho má nghe: Khi ra bờ sông lớn, đã nắm được quy luật cứ mươi phút bọn trên tàu lại vãi đạn ra bốn chung quanh. Đợi dứt đợt bắn phòng hờ của giặc, lợi dụng những đám lục bình dềng dềng trên sông cả tổ đội lục bình cự li cách nhau mươi mét hướng về chiếc tàu Mỹ neo đậu giữa dòng sông. Hòa đi đầu, dìu theo một khối thuốc nổ lớn lừng lừng dưới mặt nước nhờ có gắn phao. Tiến và Đại theo sau, nếu giữa chừng đứa đi trước có bị trúng đạn thì đứa sau tiếp nối. Khối thuốc nổ đã gắn được vào thân tàu có đồng hồ hẹn giờ, đâu chừng năm phút sẽ phát nổ để khi cả tổ quay trở lại ra ngoài khu vực an toàn. Điều bất ngờ đã xảy ra. Không phải mươi phút mà sớm hơn thế khi bọn trên tàu xả súng vung đạn ra bốn phía trên mặt sông và thà lựu đạn, quanh thân tàu để đề phòng người nhái đánh tàu. Thật không may một quả lưu đạn nổ ngay gần khối thuốc nổ làm kích thích khối thuốc nổ trước giờ, khi rút lui hai đứa đi đàng sau chưa thoát ra khỏi vùng an toàn. Một cột nước dâng cao, tiếp những tiếng nổ dậy trời, sóng từng đợt xô dạt ba người vào bờ, con tàu từ từ chìm xuống sông. Đại cõng thi thể Hòa về nhà má.Vẻ mặt Đại đau đớn nói tiếp: Con phải đưa Tiến về cấp cứu nên con không thể đưa thi thể bạn con về đơn vị được. Má cho con để bạn con sau vườn nhà má để sau này bọn con dễ tìm kiếm. Má khóc rồi nói: Không để thằng Hòa sau vườn. Bây cứ để bạn bây trên đám đất cao trước vườn nhà má. Tao thương nó lắm, để ngày ngày nó ở bên tao, tao thắp cho nó nén nhang để nó không thấy cô đơn lạnh lẽo, rồi để mai kia hết bom đạn chúng bay, người nhà nó tìm đến đưa nó về quê. Mấy nhà bên cạnh nghe chuyện cũng chạy tới, người thì băng bó lại vết thương trên cánh tay cho Tiến, người thì cùng Đại đào huyệt an táng Hòa. Mộ đã đắp xong, hai đưa quỳ xuống, khấn: Hòa ơi! Ở lại với bà con trong xóm, rồi vái ba vái. Hai đứa tạm biệt bà con, dìu nhau rút đi lúc trời  đã sáng. Vài ngày sau má cùng bà con lối xóm làm một ngôi miếu nhỏ lợp lá thờ Hòa. Để bảo vệ bến cảng Sài Gòn bọn ngụy càn quét đẩy ra xa các hoạt động của quân Gỉải phóng. Khi bọn lính ngụy ngang qua đây, chúng thấy má đặt miếu thờ, tên sĩ quan hỏi: Miếu kia bà thờ ai đấy?  Má đáp: Tao thờ con tao! - Sao không thờ trong nhà mà đem đặt ở đây? Má đáp: Con tao tao thờ ở đâu mặc tao. Cắc cớ gì mà hỏi! – Cắc cớ! Hẳn là thờ tên Việt Cộng nào đây? Má nhìn thẳng vào mặt tên sĩ quan thách thức: Tao thờ Việt Cộng thì đã sao! Tên sĩ quan không chịu thua: Bà già này cả gan. Lính! Phá. Một tay chống nạnh một tay chỉ thẳng vào mặt chúng: Bây phá thì tao lập lại. Chúng bây khôn hồn mau mau vái lạy thần tha tội cho. Tao cho chúng bay biết đặc công nước đấy. Trên đất muốn đạp chông, qua sông muốn chìm đò, lội bưng muốn cá sấu nuốt thì cứ phá đi. Phá đi! Tao thách chúng mày đấy. Nghe thế chúng sợ, chẳng tên nào dám đụng đến, vội vã bỏ đi.

Má kể tiếp chiều hôm Hòa xuất trận nó gửi cho má một bọc áo quần, trong đó có hai bộ bà ba đen và nâu y như những người ở nơi đây thường mặc, ngoài ra còn có một chiếc khăn tay trắng thêu một búp hồng vừa hé nụ bên dưới có chữ Thanh. Má nói ngày ấy má năm mươi tuổi bây giờ cũng sắp đến tuổi tám mươi. Bao năm qua má không quên được. Nó tên là Nguyễn Văn Hòa, người không cao to nhưng chắc đậm, khuôn mặt hiền lắm. Nghe đến đây đầu óc tôi choáng váng, chiếc khăn tay thì tôi không biết. Nhưng tên họ năm hy sinh thì trùng lặp với chú tôi Nguyễn Văn Hòa! Tôi cố lấy bình tĩnh hỏi má: Liệt sĩ Hòa quê ở đâu hở má? Má nén một tiếng thờ dài, trong mắt già nua của má có ngấn nước: Không biết chính xác quê thằng Hòa ở đâu má buồn lắm. Có hôm ngủ mê nó gọi u ơi u… Tỉnh giấc má hỏi con nhớ u con à. Mặt tươi roi rói nó dạ: Con thấy con về quê. Hỏi nó quê ở đâu, má tên gì? Nó nói quê con ở mé sông, Má con tên Chắt, rồi nó không nói thêm gì nữa. Vì bí mật má cũng không hỏi nữa. Thế má có nhớ ngày liệt sĩ Hòa hy sinh không hở má? Tôi hỏi. Má nói: Làm sao tao quên được! Mấy mươi năm qua cứ đến ngày Một tháng Năm bên phía mình thường gọi ngày Quốc tế lao động là tao làm giỗ cho nó.

Linh tính báo cho tôi hay rằng đây chính là chú tôi. Tôi biên thư về cho cha tôi kể lại tất cả những gì má đã nói với tôi. Sau này tôi được biết cha tôi đã xác định ngày hy sinh của chú Hòa trùng khớp với giấy báo tử, bà nội tôi cũng tên Chắt. Riêng chiếc khăn tay thì cha tôi không biết. Cha tôi nghĩ đây là kỷ niệm của bạn bè thanh niên lúc tiển nhau ra mặt trận. Cuối cùng cha tôi cũng biết được Thanh là ai. Thanh là bạn bè chứ không phải người yêu cùng lứa tuổi trong chi đoàn thanh niên thôn. Bây giờ cô Thanh đã lấy chồng, có hai con trai, một đi làm công nhân, một đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. Chồng cô là một thương binh bị mất một chân, đã được lắp chân giả, lao động không thua kém ai, hiện đang làm chủ tịch Mặt trận  xã. Bố tôi đến nhà cô Thanh trình bày tất cả sự việc và nhờ cô Thanh nhớ lại có tặng cho chú tôi chiếc khăn đó không. Cô Thanh nói: Có. Anh Hòa là bạn bè hồi học cấp Hai và cùng chung sinh hoạt trong một chi đoàn. Cô Thanh giỏi thêu thùa may vá. Chi đoàn khuyến khích cô thêu khăn tặng các thanh niên lên đường đánh Mỹ. Cô nói: Nếu thấy được chiếc khăn không khó gì mà không nhận ra đường kim múi chỉ của mình. Người chồng cô Thanh trầm ngâm một hồi rồi hỏi cha tôi: Anh có định đi lấy hài cốt chú Hòa về không? Cha tôi đáp: để xác thực mọi chi tiết rồi đi. Chồng cô Thanh tiếp: Thế anh còn nghi ngại điều gì nữa. Cha tôi đáp có phần lưỡng lự: Chỉ tiếc con tôi không xin được bà má chiếc khăn để đem về xác minh. Người chồng cô Thanh nói: Anh yên chí - rồi nhìn vợ nói -  Tìm, bốc hài cốt các liệt sĩ là cả đảng cả nhân dân đều xem đó là nghĩa vụ thiêng liêng quan trọng. Mẹ thằng Tâm – Tâm là con đầu của vợ chồng cô Thanh - nên đi cùng với gia đình anh Trọng – Trọng là cha tôi - vào bà má trong Nam có đúng chiếc khăn tay mà mấy mươi năm trước đã tặng cho chú Hòa trước khi lên đường nhập ngủ để cho yên lòng. Sau nữa giúp bác bên nhà lên xuống xe tàu. Cha tôi nói: Được thế thì không có gì bằng. Chồng cô Thanh nói: Thế anh định bao giờ đi? Cha tôi nói: Tôi sẽ điện cho đứa con trong đó xin nghỉ phép về đưa chúng tôi vào.

Tôi về nhà. Cha tôi, bà tôi mừng lắm. Bà tôi, mới hai năm tôi chưa về phép gặp bà. Bây giờ gặp lại, bà vẫn vấn chiếc khăn xanh quanh mái tóc đã bạc trắng nhưng lưng đã còng hơn trước nhiều. Bà mừng rỡ níu lấy tay tôi bà nói: Mấy đêm nay bà chập chờn thoáng thấy bóng và nghe như có tiếng gọi của thằng Hòa bu ơi! Vậy là hồn thằng Hòa đã về mách bảo bà mau chóng đến đưa hài cốt hắn về với quê hương. Mọi thứ chuẩn bị đầy đủ. Cha tôi ra phố huyện nhờ thợ ảnh sang thêm một bức ảnh thờ chú tôi mà từ bức ảnh 3x4 hồi chú tôi chụp trước khi nhập ngũ lên bằng cở bàn tay. Cha tôi nói: Bức ảnh này mà bà má trong Nam nhận ra chú Hòa, cùng với chiếc khăn tay thì không có bằng chứng nào hơn. Tôi phân vân nói: Người già đã quá lâu lắm rồi có khi bà má không nhận ra được. Bà tôi nói: Người già thường hay lú lẩn. Như bà đây, chuyện hiện tại, mới hôm qua có ai đến thăm, nói chuyện gì thì hôm nay có khi đã quên. Nhưng chuyện của ngày trước, lúc còn trẻ chỉ có xảy ra một lần thì không bao giờ quên được.

Thế là cả nhà tôi lên tàu. Bà tôi, cha tôi, tôi cùng cô Thanh, Chồng cô Thanh tiễn chúng tôi cho đến khi tàu chạy.

Một ngày một đêm rồi đi tiếp chuyến xe bus từ Thành phố Biên Hòa đến Nhơn Trạch thì về đến nhà má. Má đón chúng tôi như những người thân quen từ lâu. Khi cha tôi mới đưa bức ảnh ra chưa kịp nói gì thì má đã thốt lên: Ôi! Thằng Hòa! Bà nội tôi khóc, ôm lấy má: Ơn chị nhiều lắm. Nhờ chị mà xương cốt con tôi còn được nguyên vẹn để chúng tôi được đón cháu về với tổ tiên ông bà. Hai bà má tóc bạc phơ lưng đã còng ôm nhau khóc làm chúng tôi cũng không cầm được nước mắt. Khi má đưa túi áo quần kỷ vật của chú tôi, cô Thanh vội lục nhanh và lấy chiếc khăn nói: Đây chính là chiếc khăn cháu thêu tặng anh Hòa trước khi lên đường nhập ngũ.

Ngày hôm sau chúng tôi thưa với má xin được đưa hài cốt chú tôi về quê. Má nói với bà tôi: Từ ngày đó bọn Mỹ ngụy tăng cường bố ráp vùng này rồi đóng chốt trên đồi cao, bộ đội giải phóng không hoạt động vùng này được. Hai thằng bạn của Hòa thời chiến tranh một thằng bị thương một thằng chắc gì đã sống qua những ngày đánh nhau ác liệt nên không thấy ai trở lại. Hòa bình tôi có báo với xã, xã bảo để đưa liệt sĩ vào nghĩa trang, tôi không chịu. Tôi cho rằng xã làm như vậy cho hết nghĩa vụ. Tôi tin một ngày nào đó có đội quy tập tìm kiếm hài cốt hay thân nhân đến tìm. Gần tám mươi rồi nhưng chết mà thấy hài cốt của liệt sĩ chưa về được với thân nhân tôi cũng không nhắm mắt được. Chị đến với con chị, chị thỏa nguyện mười phần thì tôi cũng hả lòng hả dạ mười phần bởi bao năm trông đợi. Bây giờ có về với ông bà cũng thanh thản mà ra đi.

Cô Thanh giúp cha tôi chợ búa, làm mấy mâm cơm, trước xin phép tạ ơn trời đất để được khai huyệt, sau mời má và bà con lối xóm đã che chở chăm sóc ngôi mộ của chú tôi.

Khi khai huyệt có một bác lối xóm giúp cha tôi nhặt hết xương cốt cho vào một cái tiểu sành có lót vải điều. Cô Thanh vội lấy chiếc khăn thêu cô tặng cho chú tôi phủ lên hài cốt chú tôi, cô thấm nước mắt rồi nói: Để cho anh Hòa có bạn có bè, khỏi cô đơn.

Trước lúc chúng tôi ra về má nói với bà tôi: Chị để tấm hình thằng Hòa cho tôi để tôi thờ nó như thờ con mình.

Cả xóm tiễn chúng tôi lên xe vừa mừng vừa rơi nước mắt.

T.T.h

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​