Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
Những nghiên cứu mới của các tân thạc sĩ


Bài viết của huyền phan

 (Nguồn: Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai số 42)


Ban Văn nghệ Dân gian với đặc thù hoạt động nghiên cứu độc lập thầm lặng. Hàng năm, các hội viên tự lực nghiên cứu và công bố những công trình qua các hội thảo khoa học, diễn đàn trao đổi học thuật, sách, tạp chí nghiên cứu, báo chí, đề tài hỗ trợ sáng tác của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Trong hai năm 2019- 2020, Ban Văn nghệ Dân gian đã có thêm những công trình nghiên cứu dài hơi, quy mô là Luận văn Cao học (của 4 tân Thạc sĩ) thuộc các chuyên ngành Văn hóa học và Khoa học Lịch sử. 

Các hội viên Trần Minh Trí, Nguyễn Văn Đức, Trương Thị Nguyên Hiền và Nguyễn Trần Kiệt lần lượt bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ tại trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Thủ Dầu Một. Mặc dù luận văn thuộc các chuyên ngành khác nhau, tuy nhiên các đề tài luận văn đều liên quan đến lĩnh vực văn hóa và văn hóa dân gian của tỉnh Đồng Nai.

Tác giả Trần Minh Trí thực hiện đề tài “Nghi lễ vòng đời của người Mạ ở Đồng Nai trong bối cảnh hiện nay (trường hợp xã Tà Lài, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai)”. Nghiên cứu về dân tộc sinh sống lâu đời ở phía Bắc của tỉnh Đồng Nai, Trần Minh Trí đã điền dã, thu thập tư liệu kỹ, làm rõ nghi lễ gắn với chu kỳ đời người có nhiều nét riêng, thể hiện mối quan hệ ứng xử giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của người Mạ tại Tà Lài. Tác giả đã xác định những biến đổi của tập thành nghi lễ trong bối cảnh đương đại từ môi trường tiếp xúc, đan xen văn hóa, phát triển kinh tế, xã hội, khoa học, công nghệ, chính sách quản lý… Trên cơ sở đó, gợi mở việc nghiên cứu, xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Mạ phù hợp trong sự phát triển chung.

Dưới góc nhìn văn hóa học, tác giả Nguyễn Anh Đức thực hiện công trình “Nghi lễ vòng đời của người Nùng ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai” thể hiện sự công phu trong nghiên cứu về tộc người đến Đồng Nai từ thập niên 50 của thế kỷ XX. Cộng đồng người Nùng được khái quát rõ, nhận diện được tập quán, nghi lễ với những giá trị từ quê gốc, sự thích ứng và biến đổi trên vùng đất mới Đồng Nai. Những nghi lễ trong chu kỳ đời người như sinh nở, nuôi dưỡng, hôn nhân, mừng thọ, tang ma… được khảo tả, đánh giá. Trên cơ sở đối sánh, đặt trong bối cảnh xã hội, đề tài nhận diện về những yếu tố tác động và xu hướng biến đổi trong văn hóa của người Nùng qua thực hiện nghi lễ chu kỳ đời người, góp phần trong nghiên cứu về bức tranh đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc ở Đồng Nai.

Tác giả Trương Thị Nguyên Hiềnthực hiện đề tài “Lễ hội đình An Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh đô thị hóa” nhìn từ góc độ của di tích cụ thể. Tham khảo, đối chiếu nguồn tư liệu và điền dã, ghi chép tỉ mỉ, tác giả đã nêu bật được giá trị của di tích trong đời sống tinh thần của cư dân địa phương. Thiết chế đình làng An Hòa là vẫn giữ được vai trò quan trọng trong đời sống cư dân, nơi bảo tồn được nét sinh hoạt truyền thống gắn với các lễ nghi trong năm; đặc biệt là lễ hội Kỳ yên. Lễ hội ở đình An Hòa cuốn hút nhiều người tham gia, duy trì những hoạt động hát bội, múa lân, đua thuyền... trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của một làng cổ trong xu thế đô thị hóa, phát triển hiện nay. Tuy nhiên, so với truyền thống, những yếu tố từ xã hội và thời gian đã tác động, dẫn đến những biến đổi đối với các hoạt động tại di tích.

Khác ba đề tài trên, với chuyên ngành Lịch sử, tác giả Nguyễn Trần Kiệt đã thực hiện đề tài “Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa tỉnhĐồng Nai giai đoạn 1998 – 2018” với loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Di sản văn hóa của Đồng Nai phong phú, đa dạng gắn với quá trình cộng cư của các cộng đồng tộc người, được hình thành trong từng giai đoạn cụ thể, để lại những dấu ấn quan trọng. Từ lĩnh vực quản lý, tác giả đã nghiên cứu, đánh giá những thuận lợi, hạn chế trong thực hiện chính sách của nhà nước trên lĩnh vực bảo tồn, khai thác di sản văn hóa dựa vào các nguồn lực qua từng thời kỳ. Đồng thời, trên cơ sở thực trạng, tác giả đề xuất những giải pháp mang tính thực tiễn, hướng đến nâng cao nhận thức, trách nhiệm cộng đồng về vai trò di sản trong sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đặc biệt trong khai thác hoạt động du lịch, quảng bá văn hóa.

Những đề tài của các tân Thạc sĩ là hội viên Ban Văn nghệ Dân gian mang ý nghĩa thiết thực về các lĩnh vực lịch sử và văn hóa góp phần trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa ở Đồng Nai. Các đề tài được hội đồng chấm luận văn Thạc sĩ tại các trường đại học đánh giá cao, giúp cho các hội viên hoàn thành chương trình cao học, đạt học vị Thạc sĩ. Đây là một trong những dấu ấn đáng kể của hội viên Ban Văn nghệ Dân gian hai năm qua trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu mang tính thực tiễn về lĩnh vực lịch sử và văn hóa. Những công trình luận văn Thạc sĩ đóng góp vào thành tựu nghiên cứu khoa học của tỉnh nhà nói chung và Hội Văn học Nghệ thuật nói riêng trong nhiệm vụ nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa- lịch sử của vùng đất Đồng Nai thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

H.P

 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​