Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
NHÀ VĂN HỒ ANH THÁI VÀ VIỆC HIỆU ĐÍNH SỬ THI ẤN ĐỘ



Đầu tháng 10/2021, một số tờ báo đã giới thiệu một ấn phẩm mới: Mahabharata bằng hình – Thiên sử thi vĩ đại nhất của Ấn Độ (bản quyền Nhà xuất bản DK (Anh), Nhà xuất bản Dân Trí và nhà sách Đông A xuất bản). Đồng thời đưa ra thông tin nhà văn, nhà ngoại giao Hồ Anh Thái là người hiệu đính tác phẩm này với các bài: Nhà văn Hồ Anh Thái hiệu đính thiên sử thi nổi tiếng của Ấn Độ, Ra mắt Mahabharata bằng hình - Thiên sử thi vĩ đại nhất của Ấn Độ, Dẫn lối vào pho sử thi đồ sộ của nhân loại…

Sự kiện này được giới nghiên cứu và xuất bản quan tâm, vì đây là một cách làm sách mới. Theo nhà văn Hồ Anh Thái thì đây là một sự đột phá giúp cho người đọc dễ tiếp cận với bộ sử thi nổi tiếng Mahabharata – tác phẩm được coi như Kinh Thánh của người Ấn Độ; nhưng với mức độ đồ sộ của nguyên tác thì việc tiếp cận với bộ sách là một khó khăn, thách thức lớn (bộ sách ước tính có độ dài gấp 10 lần sử thi Iliad và Odysey cộng lại). Nhiều năm qua, giới học giả và người đọc tạm bằng lòng với bản rút gọn của tác phẩm (bản dịch Cao Huy Đỉnh và Phạm Thúy Ba do nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1979, độ dài 500 trang). Mahabharata bằng hình là công trình lớn của một nhóm tác giả Ấn Độ, trong đó có các nhà văn hóa, nhà thần thoại, họa sĩ… Sách giới thiệu nội dung rút gọn của sử thi và minh họa câu chuyện ấy bằng hơn một nghìn tranh ảnh “lộng lẫy”, có cả những hình ảnh bức tranh và pho tượng cổ hiếm hoi còn ít được biết đến. Sách không chỉ kể lại thiên sử thi bất hủ của Ấn Độ, mà còn gắn kết để phân tích các nhân vật, sự kiện, khảo sát tập tục cổ và những địa danh liên quan.



Tuy nhiên, bên cạnh sự hào hứng và sự tiếp nhận nhiệt tình của bạn đọc, thì có những ý kiến nêu ra một vấn đề: Liệu nhà văn Hồ Anh Thái có thực sự là người hiệu đính công trình Mahabharata không? Vì trên thực tế, sách được dịch từ bản quyền của Nhà xuất bản DK, do dịch giả Lê Thị Oanh thực hiện. Bà là người đã dịch nhiều sách, công trình nghiên cứu văn hóa v.v…và cũng từng có thời gian công tác tại Ấn Độ. Nhà văn Hồ Anh Thái trả lời phóng vấn của Zing news cho biết: “Mấy chục năm qua, đi qua bao nhiêu nước nhưng trong vali luôn có một bản sử thi rút gọn, thế cũng coi là một thứ kinh thánh của mình. Tôi mong có lúc tự tay dịch một bản sử thi rút gọn khoảng 500 trang, nhưng chưa thực hiện được. Vì vậy, tôi rất hào hứng khi Công ty sách Đông A nhờ làm phần hiệu đính.

Tôi cố gắng để làm cho bản dịch chính xác hơn - không người dịch nào có thể nói mình bơi lội thuần thục trong cái đại dương Ấn Độ. Cũng gắng trau chuốt ngôn từ của người dịch để vừa có không khí cổ, lại vừa hiện đại để tiếp cận người đọc hôm nay”.

Cụ thể là ông góp ý với người dịch, tránh gây tranh luận bằng cách dùng những thuật ngữ Ấn Độ cổ qua cách chuyển Hán - Việt; khôi phục từ gốc chứ không dùng cách phiên âm Hán - Việt; giữ lại những từ đã Việt hóa từ lâu, và khá sáng rõ với người Việt (ví dụ: dùng chữ "kinh Vệ Đà" thay cho từ gốc là "Veda")…

Một số ý kiến cho rằng đó không phải là công việc hiệu đính tác phẩm. Một trang mạng chuyên về hiệu đính cho rằng: “Công việc của người hiệu đính được chia ra làm ba nhiệm vụ chủ yếu: Thứ nhất, và có lẽ quan trọng nhất, một nhân viên hiệu đính phải chắc chắn rằng bản dịch có thể được người đọc hiểu một cách rõ ràng. Nếu có điểm nào trong bản dịch mà người hiệu đính không hiểu, họ sẽ liên lạc với dịch giả và biên tập viên ban đầu để thảo luận các lựa chọn dịch thuật và bảo đảm xử lý các điểm gây khó hiểu. Tiếp theo, người hiệu đính phải kiểm tra lỗi ngữ pháp và lỗi chính tả trong bản dịch có thể đã bị người biên tập bỏ sót. Cuối cùng, họ đảm bảo rằng các tài liệu được định dạng đúng và đáp ứng các yêu cầu của phần tóm tắt”.

Qua tranh luận xung quanh việc này cho thấy: việc hiệu đính một tác phẩm là công việc bình thường trong lĩnh vực xuất bản, và hiệu đính gắn liền với bản dịch của tác phẩm, là việc đảm bảo cho sự chuyển ngữ được tiếp nhận hiệu quả nhất đối với người đọc của một quốc gia. Công tác hiệu đính của nhà văn Hồ Anh Thái đối với Mahabharata bằng hình là một điều đáng ghi nhận, bởi với kiến văn và kinh nghiệm của Hồ Anh Thái, khó có ai làm tốt việc này hơn ông. Tuy nhiên, phải xác định đây là hiệu đính một tác phẩm rút gọn của sử thi Mahabharata. Sự độc đáo của công trình rút gọn này là ở chỗ được minh họa bằng hình ảnh giúp nhận thức trực quan của người đọc về bộ sử thi này, cũng như về nền tảng văn hóa Ấn Độ. Khi bản tiếng Việt được ra đời, trong số nhiều bài viết về sự kiện này có bài “Nhà văn Hồ Anh Thái hiệu đính thiên sử thi nổi tiếng của Ấn Độ” đã gây hiểu lầm rằng Hồ Anh Thái đã trực tiếp hiệu đính Mahabharata (nguyên bản), khiến nhiều người cho rằng đó là việc làm không tưởng, hoặc Nhà xuất bản đã làm sai việc dịch thuật, hiệu đính tác phẩm này. Các tựa bài báo khác cũng không nêu rõ đây là bản sử thi rút gọn và kèm theo nhiều hình ảnh được nhà văn Hồ Anh Thái hiệu đính, mà thiên về khen ngợi chung chung khiến người đọc hướng về cách hiểu đó là nguyên bản của sử thi Mahabharata…

Cần phải hiểu chính xác là nhà văn Hồ Anh Thái đã hiệu đính thành công một bản rút gọn của Sử thi Mahabharata do Nhà xuất bản DK (Anh) thực hiện. Đây cũng là một nỗ lực giúp người đọc tiếp cận bộ sử thi này tốt hơn, và cũng là một trong những công trình “tiệm cận” hết sức sáng tạo để giúp người đọc hiểu rõ hơn nội dung của bộ sử thi bất hủ này của nhân loại. Từ đó cho thấy cách đặt tựa đề các bài báo là cả một nghệ thuật, giúp người đọc hiểu rõ nội dung tóm tắt, chân thực của bài viết. Không nên gây ra sự hiểu lầm hoặc khó hiểu để tựa bài dẫn dắt nội dung đi quá xa so với thực tế.

MAI NGUYÊN


 

Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​