Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
THÊM CỦI VÀO BẾP



Truyện ngắn của LÊ HƯƠNG THƠM
(Giải Nhất cuộc thi sáng tác truyện ngắn về đề tài gia đình do Sở VHTTDL tổ chức năm 2021)


(Nguồn: Tạp chí VN ĐN số 49 - tháng 3/2022)



Kim Hoa lầm lũi xách túi bước qua bên kia đường. Xế cổng bệnh viện vài bước chân có trạm chờ xe buýt. Một người đàn ông đã ngồi ở đó. Thấy Kim Hoa đến gần, ông ta nhích qua một bên, dù chiếc ghế dài vẫn còn rộng chỗ. Người đàn ông dáng khắc khổ, tóc chờm xuống vai, mùi mồ hôi dầu khen khét thoảng ra từ bộ quần áo sờn cũ. Đang nghĩ đến Thăng, Kim Hoa bất giác có sự so sánh. Chồng chị và người đàn ông này một trời một vực. Ông ta đen đúa, tàn tạ, ăn mặc lôi thôi. Thăng tưới rói hồng hào, áo quần chỉn chu, đúng kiểu công chức máy lạnh. Không biết có bao nhiêu người đàn ông được như anh: Vợ đẹp, con ngoan, đường công danh không chói lọi nhưng cũng hanh thông. Gia đình nội ngoại đủ đầy. Vậy mà… Một nỗi chua chát dâng lên trong lòng khiến Kim Hoa cắn chặt môi…

Kim Hoa từng hãnh diện khi vợ chồng chị được bạn bè gọi là “cặp đôi hoàn hảo”. Cho đến trước buổi sáng nay. Không, chỉ trước khi chị nhận được tờ giấy xét nghiệm ADN. Chị đã hồi hộp run rẩy dò tờ giấy từ trên xuống dưới, mắt hoa lên khi nhìn dòng chữ cuối cùng:“Căn cứ kết quả phân tích ADN, Hội đồng Khoa học Trung tâm xét nghiệm ADN Testings kết luận: Nguyễn Đình Thăng và Nguyễn Thị Bích Hạnh có cùng huyết thống CHA-CON với độ tin cậy 99,999%”. Mặt tái nhợt, tim đập thình thịch, chị loạng choạng bước tới chiếc ghế đá dọc hành lang, ngồi xuống, đặt bàn tay lên ngực. Nắm chặt tờ giấy, nước mắt chị ứa ra. Hình ảnh cô con gái chập chờn trong đầu Kim Hoa, ai có thể ngờ đứa con xinh đẹp lại chính là bằng cớ phản bội trắng trợn của chồng chị…Vậy là những dự cảm đầy lo lắng của chị giờ đây đã trở thành sự thật, một sự thật bẽ bàng, cay đắng, bắt nguồn từ một sự kiện cách đây đã mười tám năm…

***

Ngày ấy, có một chàng trai trẻ vô tình có mặt đúng lúc bà Huệ - mẹ Kim Hoa bị tai nạn giao thông trên đường đi dạy học về. Anh đã kịp đưa bà đến bệnh viện, giúp bà thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Từ sự hàm ơn người đã cứu mạng mẹ mình, Kim Hoa nhanh chóng nảy sinh tình cảm với Thăng, chàng trai có bề ngoài nho nhã, cách cư xử lễ độ, như người ta nói là công chức “rặt”. Thăng cũng bị cô sinh viên sư phạm dịu dàng, nền nã, đẹp rờ rỡ tuổi đôi mươi bắt mất hồn. Tình cờ hai ông bố của đôi “tiên đồng ngọc nữ” lại đều là quân nhân chuyên nghiệp, công tác xa nhà. Sự tương đồng về hoàn cảnh, gia thế đã khiến đôi uyên ương nhanh chóng được gia đình tác thành và ngay sau khi Kim Hoa tốt nghiệp đại học, họ đã nên vợ nên chồng.

Gia đình Kim Hoa theo đạo Phật. Bà Huệ tháng nào cũng lên chùa làm công quả. Bà mang theo Kim Hoa nên từ bé tâm hồn cô gái đã ngấm sâu triết lý nhân sinh, không khí trầm mặc, bảng lảng khói nhang của nhà chùa. Ni sư Thích Nữ Huệ Lan trụ trì Bửu Linh tự quý mến cả hai mẹ con, khi Kim Hoa sinh con trai đầu lòng chính Ni sư đã đặt tên cho cậu bé là Thiện Đức - hàm ý mong cậu bé sau này sẽ là người đức độ, nhân hòa. 


Thêm củi vào bếp LVC.jpg
Minh họa Lâm Văn Cảng


Rằm tháng Tám năm ấy trăng tròn và sáng lung linh. Kim Hoa cho cu Đức bú no rồi mang con sang nhà mẹ chồng nhờ bà Nghĩa trông giùm để cô tranh thủ lên chùa cúng dường. Cúng xong, vừa bước ra sân chùa, Kim Hoa chợt nghe có tiếng khóc the thé như bị ngạt của một đứa trẻ. Cô bước vội ra cổng. Kim Hoa bàng hoàng nhận ra trong chiếc giỏ tre ai đó đặt nơi cổng chùa có một bọc vải quấn quanh đứa trẻ sơ sinh đang khóc ngằn ngặt. Kim Hoa cúi xuống bồng em bé lên, nó lập tức ngưng khóc. Cô mang đứa trẻ vào chùa. Dưới ánh đèn neon trắng xanh, bé gái chừng vài tuần tuổi kháu khỉnh, mắt nhắm hờ, cái miệng nhỏ xíu chóp chép như đang khát sữa. Trong gói mền còn có một túi vải đựng quần áo, khăn, yếm và 1 hộp sữa bột, 2 lọ dầu gió, thêm một bao thư dán kín. 

Do đã có “kinh nghiệm” đón trẻ bị bỏ rơi, Ni sư Huệ Lan bồng đứa bé và bảo sư cô ghi chép cẩn thận sự việc Kim Hoa phát hiện ra cháu bé trước cổng chùa, phòng khi hữu sự. Trong bao thư, ngoài xấp tiền giấy mệnh giá 200 ngàn đồng còn có lá thư viết tay trên tờ giấy A4: kinh bạch Ni sư chùa Bửu Linh. Bé Nguyễn Thị Bích Hạnh, sinh ngày 17 tháng 5. Vì hoàn cảnh không thể nuôi cháu, con đành đưa cháu đến đây nương nhờ cửa Phật, mong được Ni sư mở lòng từ bi, cưu mang nuôi dạy để cháu lớn lên thành người. Con không dám cầu mong kiếp này sẽ được xá tội. Ngàn lần đa tạ!

Bé Hạnh bỗng òa khóc. Ni Sư vỗ về nhưng bé càng khóc to hơn. Thấy vậy, Kim Hoa liền ẵm lấy đứa trẻ, cho nó áp sát vào ngực mình, khe khẽ ru nựng. Con bé lập tức im bặt, rúc vào bầu ngực thoảng mùi sữa hoi hoi. Bất chợt, Kim Hoa quay người, đưa tay mở nút áo, khẽ áp bầu vú căng sữa vào đôi môi hồng đang mở ra như chim non chờ chim mẹ mớm mồi. Con bé nút sữa chùn chụt khiến ba người phụ nữ bất giác nhìn nhau: nó đã đói quá.  

Bé Hạnh bú no rồi lăn ra ngủ. Kim Hoa trao lại bé cho sư cô, xin phép ra về. Trên đường từ chùa về nhà, cảm giác xót thương đứa trẻ bị bỏ rơi khiến cô cảm thấy lòng nôn nao.

Chuyện bé Hạnh, Kim Hoa kể cho mẹ chồng và Thăng cùng nghe. Bà Nghĩa hết lời mắng mỏ người phụ nữ nhẫn tâm vứt bỏ núm ruột của mình. Thăng không nói gì, nhưng qua thái độ, Kim Hoa biết anh đồng cảm với mẹ và vợ. Đêm đó, Kim Hoa trằn trọc, hình ảnh bé Hạnh hiện rõ mồn một, đôi mắt ngây thơ nhìn cô như cầu cứu xoáy vào gan ruột người mẹ trẻ. Thăng cũng cảm nhận được tâm trạng bất an của vợ. Anh vỗ nhẹ vào lưng cô, thầm thì: Em ráng ngủ để giữ sức khỏe, cháu bé đã có Ni sư lo. Thế nào Ni sư cũng tìm được cho bé một gia đình tử tế”. 

Sáng hôm sau, Kim Hoa chuẩn bị đến trường thì điện thoại đổ chuông, cô cầm lên, giọng Ni sư Huệ Lan khẩn khoản: “Em ơi, bé Hạnh khóc khan tiếng từ chiều qua đến giờ, nhất định không chịu uống sữa hộp. Nhà chùa chỉ còn cách cầu cứu em. Vui lòng đến cho bé bú sữa chút được không em?”. Dĩ nhiên là Kim Hoa không thể từ chối, cô vội vã lên chùa cho bé Hạnh bú chực. Con bé nuốt sữa ừng ực, trông rất tội nghiệp. Cũng từ hôm đó, một sự “giao kèo ngầm” giữa Ni sư Huệ Lan và Kim Hoa đã hình thành: mỗi ngày, sau giờ dạy học về, cô sẽ tranh thủ lên chùa cho bé Hạnh bú sữa. Cu Đức đã gần hai tuổi nhưng kế hoạch cai sữa cho con trai Kim Hoa đành hoãn lại.

Bích Hạnh là đứa trẻ xinh xắn dễ thương. Mỗi lần cho bé bú, ánh nhìn lung linh trong đôi mắt đen nháy của bé như muốn xuyên thấu tâm can người mẹ trẻ. Có lúc Kim Hoa cảm thấy như bị bé thôi miên. Sợi dây vô hình ngày càng buộc chặt cô vào đứa trẻ bất hạnh. Ni sư Huệ Lan nhiều lần đưa tiền cho Kim Hoa mua đồ ăn bồi dưỡng sức khỏe nhưng cô dứt khoát từ chối. Trái tim người mẹ thật kỳ lạ, từ chỗ cưu mang đứa trẻ xa lạ, dần dà Kim Hoa cảm thấy như nó là cốt nhục của mình. Cô chợt nảy ra ý mang đứa con bị bỏ rơi về nhà. 

Nghe con dâu đề cập chuyện đưa bé Hạnh về làm con nuôi, bà Nghĩa chau mày. Con cho nó bú thì được. Còn mang về nuôi thì không nên. Mẹ thấy con nuôi bạc lắm. Bao nhiêu gương tày liếp ra kia. Vợ chồng con nuôi thằng Đức đã vất vả. Giờ thêm một miệng ăn, chưa kể phải chăm nom, dạy dỗ nó nữa. Đừng tự tròng ách vào cổ mình con ạ. Rồi bà kể ra những ví dụ về sự… khốn khổ của những người nuôi con nuôi. Kim Hoa mỉm cười. Chị hiểu mẹ chồng. Bà có tâm, tốt bụng nhưng kỹ tính. Bà sợ vợ chồng chị sẽ vất vả vì bé Hạnh cũng phải. Người Việt hay thành kiến. Nào nuôi con nuôi là… nuôi tu hú. Nuôi con nuôi là… tò vò nuôi nhện. Nhưng đứa trẻ như tờ giấy trắng, có bị vấy đen hay không chủ yếu do người nuôi dạy. Chị thấy ở các nước phát triển người ta nuôi con nuôi rất nhẹ nhàng, không chỉ do kinh tế họ dư dả mà còn vì họ ứng xử thật văn minh. Người ta không giấu diếm thân phận đứa trẻ, còn tạo điều kiện cho đứa con nuôi tìm lại cội nguồn của nó. Họ cũng không chờ đợi sau này đứa con phải báo hiếu cha mẹ. Nếu Kim Hoa nuôi bé Hạnh, cô cũng sẽ không bao giờ đặt gánh nặng trả ơn nuôi dưỡng lên vai con. Cô sẽ giành thời gian, tư duy, cảm xúc cho bé, để Hạnh phát triển tự nhiên, như một đứa con ruột thịt. Nghĩ vậy nên Kim Hoa lựa lời thuyết phục mẹ chồng. Cuối cùng bà Nghĩa chép miệng: thôi thì tùy các con. Tự làm tự chịu. Bà Huệ ban đầu cũng sợ Kim Hoa vất vả chăm một lúc hai đứa trẻ, nhưng vốn tính thương người nên bà đổi ý. Con đã muốn thì cứ đưa bé về, má còn khỏe sẽ phụ con một tay. Hai tháng sau, các thủ tục về nhận con nuôi được lập xong, bé Nguyễn Thị Bích Hạnh có một tờ khai sinh, cha Nguyễn Đình Thăng và mẹ Huỳnh Thị Kim Hoa…

***

Bích Hạnh càng lớn càng giống… cha nuôi. Giống từ khuôn mặt, ánh mắt, khóe miệng, thậm chí cả đôi tai, vầng trán. Hàng xóm nửa đùa nửa thật, con gái giống cha giàu ba họ. Ban đầu, Kim Hoa không mấy quan tâm về điều này, chị nghĩ sống chung nhà, nhìn nhau mãi sẽ có nét từa tựa nhau, người ta vẫn bảo vợ chồng chung sống lâu dài dần dà giống nhau như anh em ruột đó thôi. Một lần Bích Hạnh đang chơi ngoài ngõ bỗng chạy về nhà, khóc tức tưởi. Thì ra có người trong xóm đi ngang, nửa đùa nửa thật bảo nó: “Con nhỏ này bị má ruột bỏ rơi ở cổng chùa. May được nhà cô giáo “dớt” về nuôi. Thế mà lại sướng”. Nghe con gái “tố” người trong xóm, Kim Hoa vuốt mái tóc đẫm mồ hôi của con, mỉm cười: “Người ta giỡn con thôi, chứ cái mặt giống cha như tạc thế này không con bố Thăng thì con ai”. 

Nói vậy nhưng Kim Hoa cũng giật mình. Chị tự trấn an chẳng nên quá bận tâm miệng lưỡi thiên hạ. Nhưng hai gương mặt cha và con ngày nào cũng hiển hiện, ăn sâu vào tâm trí, đến mức chị không thể không công nhận bé Hạnh là phiên bản copy của Thăng. Một ý nghĩ xẹt đến như ánh chớp khiến tim chị thắt lại. Có khi nào con bé chính là… con rơi của chồng mình? Mối hoài nghi trong lòng Kim Hoa lớn dần khi lời ong tiếng ve lọt đến tai chị. Ừ. Người với người không máu mủ ruột rà, không thể giống nhau như đúc một khuôn được. Rồi từ hoài nghi, chị thấy tất cả những việc Thăng làm đều… đáng ngờ. Công việc của Thăng ở một đơn vị kinh tế thu nhập tương đối khá nhưng hay phải đi sớm về trưa, cũng hay chén thù chén tạc. Vì hay vắng nhà nên ngày nghỉ anh luôn tranh thủ thời gian giúp vợ việc nhà, gần gũi các con, hiếu thảo với đôi bên nội ngoại, thăm hỏi hàng xóm láng giềng. Những người đàn ông thường không thích mang theo vợ trong những cuộc vui, tiệc tùng, trừ Thăng. Đi đâu anh cũng muốn vợ cùng đi. Những lúc vui vẻ, anh luôn giơ ngón tay, vợ anh là số một. Nhưng… Ai biết ma ăn cỗ chỗ nào. Thăng đẹp trai, cư xử lịch thiệp, lại có chút duyên ăn nói. Biết đâu anh làm vui lòng vợ con để mình mất cảnh giác, còn thì có cơ hội là anh… bùng ra ngoài. Cháy nhà mới ra mặt chuột. Khối bà vợ đụng chuyện mới hay chồng đã lén xây tổ “tò vò” từ bao giờ mà mình không biết. Nếu Bích Hạnh là con rơi của Thăng thì chắc chắn anh đã có lúc mặn nồng, lên bờ xuống ruộng cùng người phụ nữ nào đó rồi. 

Từ nhỏ đã thấm sâu lời dạy và nếp sống gia đình, Kim Hoa luôn tế nhị, ân cần với mọi người. Chị không bao giờ tự ý xem tin nhắn điện thoại hay lục lọi ví, sổ sách giấy tờ của Thăng. Kim Hoa cho đó là văn hóa ứng xử trong gia đình và chị cũng muốn anh tôn trọng quy ước bất thành văn giữa hai vợ chồng. Chị luôn tin rằng “gái có công, chồng chẳng phụ”, người vợ tốt, hết lòng với gia đình thì chồng chẳng có lý do gì để phạm tội ăn trái cấm. Nhưng… đồng nghiệp của chị vẫn cảnh báo không được “chủ quan khinh địch”, nếu không muốn ôm hận. Người ta vẫn bảo, lòng sông lòng bể dễ dò, có ai lấy thước mà đo lòng người. Những suy luận khiến Kim Hoa tự dưng xuống tinh thần. Chị nghĩ nếu Thăng có đi ngang về tắt thì chỉ có thể là thời điểm chị vừa sinh cu Đức, đang phải cách ly chồng. 

Bích Hạnh càng lớn, nỗi hoài nghi càng như tảng đá đè nặng lên trái tim Kim Hoa. Không chịu nổi sự giằng xé, chị đã bí mật mang mẫu tóc của chồng và con gái đi xét nghiệm AND. Và kết quả khiến chị muốn té xỉu: họ là cha con ruột trăm phần trăm. Hạnh phúc của Kim Hoa bỗng chốc như tòa lâu đài cát bị cơn sóng ào đến xóa sạch…

***

Về tới bến xe khách, Kim Hoa bắt xe ôm về nhà. Tâm trạng bải hoải rã rời nhưng chị vẫn vào bếp, vì chồng và con gái đều đang ở trường chưa về. Con Bích Hạnh đang học năm thứ nhất Đại học Sư phạm Đồng Nai. Thằng Đức gần hết năm thứ hai Đại học Nguyễn Huệ, chiều thứ bảy mới về nhà. Trong lúc rửa rau, chị cay đắng nhớ đến lời má ruột ngày nào: “Nhẫn vàng có thể dùng tiền mua, còn chữ Nhẫn trong đối nhân xử thế ở đời thì không phải vàng nào cũng mua được đâu con ạ”. Nhưng má ơi, bao lâu nay con gái má bị người ta lừa dối. Liệu con có nên tiếp tục Nhẫn? Con đau khổ lắm. Má bảo con phải làm gì bây giờ…?  

Buổi tối cũng như mọi ngày. Trong bữa cơm, Bích Hạnh ríu rít khoe chuyện lớp chuyện trường. Con nhỏ tính tình bộc tuệch, chẳng để ý gì. Nhưng Thăng thì vừa chuyện trò vui vẻ với con, vừa ngầm dõi theo vợ. Hôm nay anh cảm thấy Kim Hoa có vẻ gì đó khang khác. Chị lặng lẽ ăn cơm rồi đứng lên làm việc nhà mà không một lần nhìn anh, thi thoảng lại nói trỏng. 

Thăng muốn vợ chồng đi ngủ sớm để dò hỏi xem hôm nay Kim Hoa gặp chuyện gì. Nhưng Kim Hoa cứ ngồi soạn giáo án trên máy tính đến khuya, một điều hiếm thấy ở chị. Khi Thăng tỏ ý sốt ruột thì chị không ngẩng đầu lên, nói: em đang bận, anh ngủ trước đi. Thăng đành nằm chờ vợ. Vậy mà vừa lên giường, việc đầu tiên là Kim Hoa... quay lưng lại chồng. Thái độ đó khiến Thăng cảm thấy khó chịu, anh hỏi nhỏ: “Kim Hoa nè. Hình như hôm nay em có điều gì bức xúc phải không?”. “Không có gì, chỉ là em cảm thấy không được khỏe”. Kim Hoa nói: “Không, anh không tin. Chưa bao giờ anh thấy em có thái độ với anh như hôm nay...”.

 Thật ra, Thăng đã lờ mờ đoán được nguồn cơn dẫn đến thái độ khác lạ của Kim Hoa. Như người ta vẫn nói “có tật giật mình”, sự thật mà anh giấu kín và luôn “phòng thủ từ xa” đã có nguy cơ bị phanh phui, mà hình như đã lộ hẳn rồi. Bích Hạnh không phải con nuôi mà đích thị là giọt máu rơi của anh. Hồi ấy anh còn là ông bố trẻ, đang ngây ngất hạnh phúc. Trong một lần vui chơi quá đà ở nhà hàng máy lạnh, Thăng đã rơi vào mê hồn trận với một cô gái bia ôm xinh đẹp. Anh hoàn toàn bất ngờ sau ngày Kim Hoa đón bé Hạnh về, cô bia ôm lại nhắn cho anh một cái tin dài. Cô khẳng định đã có con với anh, một bé gái: “Tôi sắp lấy chồng. Nhưng ảnh yêu cầu tôi phải để con gái lại thì mới chịu cưới. Anh thông cảm. Tôi không thể để mất ảnh. Tôi đã mang con đến gửi ở Bửu Linh tự. Anh hãy đến đó xem con thế nào. Còn nếu anh sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc riêng thì thôi. Tôi mong con gái sẽ tha tội cho cả tôi và anh. Vĩnh biệt”. Tin nhắn của cô gái khiến Thăng choáng váng. Nhưng anh không tin lời cô và xóa tin nhắn đi. Anh chỉ nhớ lại mọi chuyện khi bé Hạnh càng lớn, càng giống anh như tạc. Nhưng tất cả đã được an bài. Thăng không đủ can đảm để nói ra sự thật...

Những ngày sau, Kim Hoa vẫn vui vẻ với con, nhưng khi chỉ có hai vợ chồng, chị trở nên khách sáo xa lạ hẳn. Trong lòng chị đang cảm thấy bế tắc. Đầu chị đau nhức. Bọng mắt phồng lên, thâm lại vì mất ngủ. Ban đêm chị luôn tìm cách né tránh Thăng dù anh vẫn tỏ ra vồ vập vợ. Đừng động đến em. Chị nói, khẽ mà dứt khoát. Thăng rụt tay lại như phải bỏng. Qúa bẽ bàng, anh xuống giọng năn nỉ: “Thôi em ạ, nếu anh có điều gì không phải, xin em vui lòng lượng thứ. Em cứ lạnh băng thế anh không chịu nổi”. Im lặng hồi lâu, rồi Kim Hoa ngồi dậy cất giọng buồn bã: “Em thật sự không muốn vợ chồng mình lại có những lúc thế này… Nhưng… em không thể... Anh hãy nói thật, đừng giấu em. Hạnh có phải là… con anh không? Thăng ngồi bó gối trên giường, đầu cúi gục. Rồi anh ngẩng lên. Trong ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn ngủ, gương mặt anh buồn và như già hẳn đi. Anh nhìn chị khẩn khoản, mắt ngấn lệ: “Vậy là em đã biết cả rồi. Hạnh đúng là… con ruột anh. Nhưng anh xin thề là anh chưa từng có ý lừa dối em. Đối với anh, em là người vợ tuyệt vời. Chỉ vì hồi ấy anh còn trẻ, bốc đồng. Một lần ăn nhậu tại nhà hàng, trong lúc ngấm hơi men anh đã không làm chủ được mình... Nhiều năm qua, anh đã cố gắng sống tốt, để chuộc lại lỗi lầm với em… Anh không nói ra vì sợ em đau khổ. Vả lại cô kia cũng đã an phận chồng con, không còn liên can gì đến anh và Bích Hạnh…”.

Nước mắt Kim Hoa ứa ra. Chị ngồi lặng thinh như đã hóa đá. Hồi lâu, chị thở dài: “Em hiểu rồi. Cám ơn anh đã nói thật. Nhưng… từ hôm nay em muốn được… ngủ riêng… Em cần thời gian…”. Nói xong, Kim Hoa đứng dậy mở cửa phòng, bước ra ngoài…

***

Khi cái bánh hạnh phúc bị kẻ khác bẻ trộm một miếng, người ta sẽ làm gì? Trừng phạt? Nhưng trừng phạt bằng cách nào? Kim Hoa càng nghĩ càng rối trí. Chị biết những đòn trừng phạt mà các bà vợ bị cắm sừng vẫn giành cho chồng. Nhiếc móc, làm loạn nhà vì ghen tuông, cấm vận, chiến tranh lạnh, “ông ăn chả bà ăn nem”… Chị thoáng rùng mình khi nghĩ đến những người đàn bà đoạn tuyệt ân nghĩa vợ chồng bằng cách nhẫn tâm tạt axít người từng đầu gối tay ấp với mình. Muôn kiểu hành hạ, chỉ để thỏa mãn “cái tôi” bị tổn thương, để chồng và “kẻ kia” thân tàn, ma dại, sống không bằng chết. Sự ích kỷ có thể đẩy người ta đến chỗ mất cả nhân tính. Và những đứa con vô tội phải hứng lấy toàn bộ bi kịch do người lớn gây ra. Không. Kim Hoa không thể nhân danh tình yêu bị phản bội mà xử tệ với Thăng. Với chị, tổ ấm gia đình quan trọng hơn là cảm nhận của mỗi người. Vả lại, Thăng đã xin lỗi chị. Anh đã trả giá bằng những dằn vặt khổ sở. Mặt anh đầy râu ria, ánh nhìn buồn hẳn đi làm trái tim Kim Hoa đau nhói. Dù sao chuyện xảy ra cũng chỉ là tai nạn của Thăng, không phải “lỗi hệ thống”, rõ ràng anh không cố ý lừa gạt chị. Nhưng… chả lẽ bỏ qua? Tha thứ quá dễ biết đâu người ta coi thường, rồi khi có cơ hội lại… phạm tội tiếp? Hay là cứ… ly thân một thời gian, cho anh có thời gian nhìn lại lỗi của mình. Mà… một thời gian cụ thể là bao lâu? Dài quá cũng không tốt. Cả hai sẽ cùng mỏi mệt, rồi cái sảy nảy cái ung…

 Chiều thứ sáu ở trường về, Kim Hoa ngạc nhiên thấy chiếc xe máy mới rửa sạch sẽ của Thăng đã dựng dưới gốc cây ngọc lan trong sân. Bước vào nhà, chị lại thấy bình hoa bách hợp hôm qua đã tàn, cánh hoa vàng rơi lả tả, hôm nay được thay bằng bình hoa hồng nhung rực rỡ thơm ngào ngạt. Chị yêu hoa hồng vì loài hoa của tình yêu gắn với những kỷ niệm thời chị và Thăng còn chưa về chung nhà. Kim Hoa chưa hết ngạc nhiên thì Thăng từ trong phòng ngủ bước ra. Anh có vẻ hơi giật mình thấy vợ đã về và lúng túng nói, chủ nhật này là kỷ niệm ngày cưới của chúng mình, anh có món quà nhỏ tặng em, anh… để trên giường. Kim Hoa rưng rưng. Mải giận chồng, chị đã quên mất ngày cưới của mình. Chị vội vã bước vào phòng, mở hộp giấy đựng quà. Hai chiếc áo đầm bằng lanh hoa mặc ở nhà, có tay ngắn và cổ bẻ, dây thắt ngang eo, vừa kín đáo, vừa nền nã, đúng gu của chị. Cám ơn anh. Em tệ quá. Suýt quên cả ngày cưới của mình. Kim Hoa nói, giọng chị ấm áp, không phải kiểu nói xa cách “chiến tranh lạnh” như hai tuần qua. Chị nhớ năm nào vào ngày cưới, họ cũng tổ chức một bàn tiệc nho nhỏ, hoặc cả nhà đi đâu đó chơi. Bao giờ Thăng cũng trịnh trọng tuyên bố, đó là cách tiếp thêm củi vào bếp lửa gia đình. Anh bảo, để bếp lửa gia đình luôn cháy đượm, không bao giờ lụi tàn thì mỗi ngày chúng ta đều phải thêm củi mới. Anh là dân kinh tế mà ăn nói văn hoa, điệu đàng làm Kim Hoa buồn cười. Nhưng năm nay…

Trong bữa cơm tối, Kim Hoa nói với con gái, ngày cưới của ba mẹ năm nay, tránh dịch Covid nên chúng ta không đi chơi xa. Nhưng chiều mai thứ bảy anh con về, chúng ta sẽ cùng làm một cái bánh bông lan thật đẹp. Bích Hạnh sung sướng hét vang: “A. Con nhớ rồi. Để thêm củi vào bếp lửa gia đình phải không mẹ”. “Ừ. Thêm củi vào bếp”. Kim Hoa nói và trìu mến nhìn Thăng. Anh chợt hiểu và nóng bừng mặt…

Ngoài cửa sổ, mùi hoa ngọc lan thơm nồng nàn…


L.H.T


Các tin khác

    There are no items to show in this view.
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​