Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
Nhà báo Đỗ Trung Tiến: người tiên phong của nhiếp ảnh Đồng Nai


 

 

 Bài viết của Phước Long Giang

(Nguồn: TC Văn nghệ Đồng Nai số 54)​


Có thể người thuộc thế hệ 9x, 8x cả trong làng Ảnh nghệ thuật Đồng Nai nhiều người chưa biết, nhiều người đã lãng quên, nên khi gọi ông là nghệ sĩ có vẻ hơi bất ngờ. Họ quen với các chức vụ chính trị ông đảm nhận: Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Đồng Nai, Phó Tổng biên tập báo Đồng Nai.

Thời kỳ đầu xây dựng phong trào nhiếp ảnh Đồng Nai, nhà báo Đỗ Trung Tiến đã có ba nhiệm kỳ là Ủy viên Ban chấp hành Hội VHNT Đồng Nai phụ trách Ban Ảnh nghệ thuật, và nhiều năm là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đồng Nai.

 Một người lính tài năng nhiều triển vọng

Sinh ra tại một làng quê đồng bằng Bắc Bộ thuộc huyện Ninh Giang tỉnh Hải Dương, Đỗ Trung Tiến bước vào tuổi trưởng thành cũng là những năm đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh xâm lược, đưa quân Mỹ vào miền Nam, tăng cường không quân đánh phá Miền Bắc. Năm 17 tuổi, chàng thanh niên Đỗ Trung Tiến được Ủy ban xã thấy có năng khiếu cử vào Ban Văn hóa Thông tin, cho đi học lớp bồi dưỡng kỹ năng kẻ chữ, vẽ tranh cổ động do tỉnh tổ chức. Anh được cấp chứng chỉ loại giỏi, đã có những kỷ niệm đẹp với quê hương trong thời gian làm công tác này. Đỗ Trung Tiến thành thạo pha bột màu với a dao, leo thang tre kẻ khẩu hiệu, vẽ lại nhiều bức tranh tường cổ động khổ lớn của Bộ Văn hóa, treo dọc ven tỉnh lộ 17 theo địa phận xã. Tối tối, anh leo lên cây vải thiều cổ thụ giữa xóm, dùng loa sắt tây (loa tay) đọc báo loan tin chiến thắng trên chiến trường Nam, Bắc. Sang tuổi 18, Đỗ Trung Tiến nóng ruột trong khi bạn bè cùng trang lứa lần lượt lên đường tòng quân chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Anh được xã giữ lại vì khả năng và vị trí công tác thiết yếu. Đỗ Trung Tiến viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau nhiều lần bàn bạc, cuối năm ấy (1967) xã đành chấp nhận cho anh được toại nguyện niềm ao ước của tuổi trẻ..


đỗ trung tiến 3.jpg
Nhà báo Đỗ Trung Tiến (bìa phải) trên tuyến biên giới Tây Nam năm 1978


Sau ba tháng học tập và rèn luyện trên thao trường đất Bắc, bắn bia số 4 đạt loại giỏi (29 điểm) Đỗ Trung Tiến được thưởng phép về thăm nhà 3 ngày, rồi hành quân vào Nam chiến đấu ngay. Bấy giờ là những tháng cuối mùa khô năm 1968 (18/3/1968), anh lính trẻ Đỗ Trung Tiến đã có thời gian từng trải sau 4 tháng vượt Trường Sơn đầy gian khổ với mang vác nặng và đôi chân lội bộ xuyên rừng vượt núi, máy bay, pháo địch ném bom, bắn rượt dọc đường. Tới Kho Xanh (trên đất Campuchia) là trạm giao liên cuối cùng của đường Trường Sơn trước khi về Miền Đông Nam bộ. Đi gần một tháng nữa thì tới Căn cứ Chiến khu Đ. Đỗ Trung Tiến cùng đoàn tân binh được điều về Trung đoàn Đồng Nai đóng quân ở ngay khu rừng nay thuộc Bắc Tân Uyên (Bình Dương). Anh được biên chế vào đại đội hỏa lực của Trung đoàn, là lính cối 82 ly. Gặp những người lính cũ còn lại sau đợt 2 xuống đường Tổng tấn công Xuân Mậu Thân 1968, nghe chuyện các anh kể, những chàng lính mới được tiếp xúc bước đầu với sự khốc liệt của chiến trận. Do cục diện chiến trường thay đổi, Trung đoàn Đồng Nai được củng cố, sáp nhập thành Trung đoàn 4. Trung đoàn 4 đánh nhau với lính Úc dưới ngả Bà Rịa, hợp đồng tác chiến với Trung đoàn 33 rất hiệu quả ở vùng Biên Hòa, Long Khánh.

Sau đó, Đỗ Trung Tiến được điều về Ban Dân quân thuộc Bộ Chỉ huy Phân khu V, xây dựng lực lượng dân quân du kích các địa phương Thủ Dầu Một, Biên Hòa. Mỹ ngụy càn vào căn cứ, Đỗ Trung Tiến đã trực tiếp cùng đồng đội chống càn nhiều trận.

Cơ duyên chàng lính trẻ Đỗ Trung Tiến đến với nghệ thuật nhiếp ảnh là khi anh được điều về bên Bộ Chỉ huy Phân khu V. Đồng chí Bảy Mai (Nguyễn Đăng Mai) Chính ủy Phân khu V là “dân tập kết” trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu. Ông giao cho anh chiếc máy ảnh viện trợ của Cộng hòa Dân chủ Đức cùng nhiệm vụ phải học chụp ảnh phục vụ cơ quan. Từ năm 1969, Đỗ Trung Tiến học nghề ảnh trong chiến khu từ chỉ dẫn trực tiếp của những người trong nghề. Đồng thời với công việc này, Trung Tiến còn được gửi đi học nhiều lớp học ngắn ngày khác, trong đó có cả lớp bồi dưỡng cán bộ trung đội trưởng tại Trường Quân chính Quân khu (từ tháng 9- 1972). Nghề ảnh, nghệ thuật nhiếp ảnh đến với anh từ đó. Theo chân đồng chí Chính ủy Phân khu qua nhiều vị trí công tác, nhiều địa bàn hoạt động, Đỗ Trung Tiến đã có hàng ngàn bức ảnh tư liệu có giá trị về chiến trường Miền Đông Nam bộ trong kháng chiến chống Mỹ.

Nghề báo và những bức ảnh thời sự nghệ thuật thành công

 Sau ngày 30-4-1975, Đỗ Trung Tiến chuyển ngành ở lại Đồng Nai công tác. Có một thuận lợi lớn là nhiều đồng chí lãnh đạo cùng đơn vị đã chuyển ra dân sự và nắm giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo Đảng, chính quyền các tỉnh Miền Đông Nam bộ. Các cơ quan: Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Tài chính, Giao thông, Thương nghiệp... đều thiếu cán bộ. Nhưng chọn ngành, chọn công việc phù hợp với khả năng và đam mê của mình là điều Đỗ Trung Tiến quan tâm. Đầu năm 1976, anh được Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy giới thiệu về tham gia bộ khung thành lập Báo Đồng Nai. Được kết nạp Đảng từ 1971 tại chiến trường, Đỗ Trung Tiến là một trong những đảng viên đầu tiên của Báo. Ngoài việc phụ trách Tổ Ảnh thời sự, anh lao vào công việc của báo như một phóng viên và còn kiêm nhiệm nhiều công tác khác như lái xe, phát hành báo, Bí thư Đoàn cơ sở Liên cơ quan Tuyên huấn- Báo chí- Xuất bản- Văn học nghệ thuật, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Chi bộ cơ quan Báo Đồng Nai. Từ năm 1980, Phòng Ảnh thời sự được thành lập, Đỗ Trung Tiến được bổ nhiệm Trưởng phòng. Nhiều bức ảnh thời sự nghệ thuật có giá trị được ra đời. Nhiều tác phẩm nhiếp ảnh vượt khỏi phạm vi Đồng Nai góp mặt với ảnh báo chí cả nước. Đỗ Trung Tiến tích cực xây dựng phong trào nhiếp ảnh trong tỉnh. Câu lạc bộ Nhiếp ảnh báo Đồng Nai (sau này thuộc Hội Nhà báo Đồng Nai) được thành lập quy tụ những “tay máy” đam mê nghiệp ảnh, bồi dưỡng, phát triển những gương mặt mới. Và chỉ 5 năm sau Câu lạc bộ nhiếp ảnh ra đời, kỷ niệm 10 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn Miền Nam các anh đã tổ chức được Triển lãm ảnh thời sự nghệ thuật hoành tráng với hàng trăm tác phẩm ảnh tham dự.

Ở mảng Ảnh nghệ thuật Trung Tiến cũng tham gia gây dựng được phong trào ngày một phát triển, có nhiều thành tựu. Từ chỗ lác đác một hai gương mặt hiếm hoi, đến nay đội ngũ nhiếp ảnh Nghệ thuật Đồng Nai là lực lượng hùng hậu, nhiều thành tích vào hàng đầu của tỉnh và khu vực với hàng ngàn bức ảnh tham gia triển lãm trong tỉnh, khu vực, toàn quốc và quốc tế. Hàng chục tác giả được giải cao tại triển lãm ảnh toàn quốc, quốc tế, được phong tước hiệu nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế.

Tác phẩm Ảnh báo chí đậm chất nghệ thuật

Làm quản lý và phụ trách công tác phong trào nhiều bận mải, Đỗ Trung Tiến vẫn tranh thủ thời gian ít ỏi cho chuyên môn của mình. Anh luôn tâm niệm cùng đổng nghiệp, một bức ảnh thời sự đẹp mới thu hút được người xem. Và anh đã gặt hái được những thành công.

Một ngày đầu xuân 1979, Đỗ Trung Tiến dự lễ tiễn những người lính lên đường nhập ngũ ở phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa. Lúc đó, đất nước tiếp tục có chiến tranh, hai đầu đều có giặc. Biên giới Tây Nam bè lũ diệt chủng Pôn Pốt xua quân tàn phá làng mạc, giết hại hàng nghìn người dân vô tội các tỉnh dọc biên giới. Biên giới phía Bắc bành trướng Trung Quốc xâm lược 6 tỉnh biên giới. Thanh niên nô nức lên đường bảo vệ Tổ quốc. Ống kính máy ảnh của Trung Tiến đã thu được hình ảnh bà nội tiễn cháu trai cùng đồng đội. Gương mặt bà cụ sáng đẹp, khỏe mạnh, phúc hậu, nụ cười tươi ấm. Người cháu trai ở vị trí trung tâm của bức ảnh trẻ, khỏe, đẹp trai với nụ cười trong sáng của tuổi thanh niên, những người đồng đội bên cạnh cũng đều rất trẻ, gương mặt rạng rỡ. Trung Tiến đặt tên tác phẩm ảnh là: “Tiễn các con lên đường bảo vệ Tổ quốc”.

Báo Đồng Nai rồi báo Nhân dân, Quân đội nhân dân đều đăng bức ảnh trên đầu trang nhất. Bức ảnh đã được tặng Giải Nhì của Báo Nhân dân năm 1979, gây tiếng vang trong dư luận. Bức ảnh đẹp và có giá trị cổ động cao trong tình hình thời sự lúc bấy giờ, trở thành tác phẩm tranh cổ động, được treo nhiều nơi trong nước. Đây là tác phẩm ảnh thành công nhất của Đỗ Trung Tiến và sẽ còn giá trị lịch sử lâu dài.

Tháng 5 năm 1979, Đỗ Trung Tiến tham gia đoàn chi viện các tỉnh biên giới phía Bắc. Đến Trung đoàn pháo cao xạ Nguyễn Viết Xuân trên biên giới phía Bắc thuộc tỉnh Quảng Ninh anh chụp được chùm ảnh về cán bộ, chiến sĩ đơn vị đang luyện tập pháo 57 ly, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Chùm ảnh gửi đến báo Quân đội Nhân dân và được in ngay, phát hành đúng vào ngày kỷ niệm Bác Hồ phong tặng Trung đoàn danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ban Chỉ huy Trung đoàn rất vui, đã gửi thư cám ơn và tặng quà tác giả.

***

Nhà báo Đỗ Trung Tiến có nhiều công lao trong công tác lãnh đạo báo chí và xây dựng phong trào nhiếp ảnh địa phương hơn 45 năm qua. Những hoạt động nghiệp vụ, phong trào, các cuộc thi ảnh của các nghệ sĩ vẫn được duy trì, ngày một thêm những tay máy mới gia nhập Câu lạc bộ nhiếp ảnh, góp nhiều tác phẩm có chất lượng. Ông từng nhiều năm tham gia tổ chức các cuộc thi ảnh trong tỉnh, được đánh giá là giám khảo công tâm, khách quan, thuyết phục về chuyên môn. Năm 1990, ông đã được Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp nhiếp ảnh Việt Nam.

Đỗ Trung Tiến tâm sự: Trong một dịp về Đồng Nai làm giám khảo cuộc thi triển lãm ảnh, NSNA Lâm Tấn Tài lúc đó là Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, nói: “Tham gia quản lý không làm sáng tác được, ông cố gắng xây dựng lực lượng”. Lời động viên của một nghệ sĩ lão thành, tài năng cùng với trọng trách của mình đã cho Đỗ Trung Tiến quyết tâm xây dựng phong trào nhiếp ảnh địa phương ngày một lớn mạnh, nhiều thành tựu. Đỗ Trung Tiến quan niệm, một bức ảnh thành công phải đáp ứng hài hòa cả nghệ thuật và tư tưởng. Không có tư tưởng, bức ảnh chỉ là sự phô diễn kỹ thuật đơn thuần, tẻ nhạt. Nhà báo Nguyễn Thiện Nhựt -  nguyên Tổng biên tập báo Đồng Nai thì nhận xét: “Tôi thấy ở Trung Tiến nổi bật là chất bộ đội”. Vâng! Đấy cũng là tư tưởng nổi bật ở các tác phẩm của Đỗ Trung Tiến, ở con người Trung Tiến. Từ chiến sĩ, ông trở thành nhà báo giàu chất nghệ sĩ, phẩm chất nghệ si ̃- chiến sĩ luôn hòa quyện trong ông.

P.L.G

 
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​