Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
ĐÌNH LÀNG TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI VIỆT Ở ĐỒNG NAI

Đồng Nai hiện có 123 ngôi đình tọa lạc ở thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh và các huyện. Thông thường mỗi làng xã đều có một ngôi đình. Trong lịch sử hình thành làng xã ở các địa phương trong tỉnh Đồng Nai đã diễn ra nhiều sự kiện sáp nhập, chia tách; do đó về mặt địa giới hành chính có sự xáo trộn, thay đổi. Đặc biệt, sau giải phóng do sự sáp nhập giữa các làng cũ nên có trường hợp một xã có tới 11 đình (trường hợp phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa); xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu có 12 đình; phường Bửu Long có 03 đình; xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch có 03 đình; xã Lộc An, xã Long Phước, huyện Long Thành có 02 đình… Các huyện còn lại là vùng đất mới nên mật độ các đình ít hơn, có những huyện không có đình nào (trường hợp huyện Tân Phú và huyện Cẩm Mỹ).

Do đặc điểm văn hóa của các lớp cư dân vào lập nghiệp tại Đồng Nai có khác nhau về vùng miền, nguồn gốc xuất thân, thời gian di cư tới Đồng Nai, nên đình làng cũng có nhiều khác biệt giữa các địa phương trong tỉnh. Điều đó thể hiện rõ ở lịch sử hình thành đình làng, quy mô kiến trúc, các đặc điểm văn hóa (văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể); quan niệm của cộng đồng trong vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đình làng…

Khai sắc lễ hội Kỳ yên đình Hưng Lộc, Thống Nhất.jpg
Khai sắc lễ hội Kỳ yên đình Hưng Lộc, Thống Nhất - Ảnh: L.X.H

Từ thực tế đó, có thể phân thành hai khu vực: Thứ nhất, vùng đất gắn với người Việt sinh sống lâu đời, gồm thành phố Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch. Đây là địa bàn có người Việt tới khai khẩn, định cư lâu đời, nên có số lượng các đình rất nhiều (112 ngôi). Đình làng gắn với văn hóa làng xã của người Việt theo truyền thống từ vùng Ngũ Quảng được duy trì và phát triển đa dạng, phong phú về quy mô, số lượng nơi vùng đất này. Thứ hai, vùng đất mới gắn với quá trình định cư của người Việt từ khoảng cuối thế kỷ XIX đến nay gồm: Thành phố Long Khánh, huyện Trảng Bom, huyện Thống Nhất, huyện Xuân Lộc, huyện Định Quán. Với đặc điểm là người Việt đến sinh sống ở vùng đất này muộn nên số lượng các ngôi đình cũng rất ít (chỉ có 11 đình). Hầu hết các ngôi đình ở khu vực này được xây dựng bằng vật liệu kiên cố (bê tông cốt thép, mái tôn, nền gạch bông, tường xây) chỉ một số ngôi đình có kết cấu bằng vật liệu gỗ, mái ngói âm dương. Dễ nhận thấy nhất là ngoài những đặc điểm chung của đình làng Đồng Nai về đặc điểm kiến trúc, đối tượng thờ tự (thờ chính, phối thờ), nghi tiết cúng tế, lịch lễ cúng tế đình… ở khu vực này có quy mô kiến trúc nhỏ, hệ thống mỹ thuật, trang trí, bài trí đơn giản; các đối tượng thờ tự, nghi tiết cũng có cách tân hơn, đơn giản hơn. Tuy vậy, các giá trị văn hóa truyền thống của đình làng về cơ bản vẫn được duy trì, phát triển trên cơ sở phù hợp với hoàn cảnh mới, phù hợp với đặc điểm văn hóa của cộng đồng cư dân vốn hình thành muộn, đến từ nhiều vùng miền của đất nước.

Đình làng ở Đồng Nai có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Ở đó, con người với tư cách là chủ thể của đình làng, đã góp phần thực hành, gìn giữ, phát huy, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống. Đình làng trở thành trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội của cả làng và được cộng đồng làng xã ngưỡng vọng, tôn thờ. Tín ngưỡng thờ Thần Thành hoàng gắn liền với đình làng đã ăn sâu trong tâm thức của người Việt ở Đồng Nai từ hàng trăm năm qua. Tín ngưỡng thờ Thần Thành hoàng có vị trí quan trọng, có tính phổ biến và có sức ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống cộng đồng. Việc thờ tự Thần Thành hoàng làng góp phần duy trì trật tự và luật lệ làng xã, nếp sống cộng đồng, cộng cảm, văn hóa làng xã được tự giác duy trì và thực hành liên tục. Trong dân gian, Thần Thành hoàng có vị trí quan trọng, như nhịp cầu nối giữa các đấng bậc Thần linh và con người, giữa thiêng và tục, giữa đấng tối cao và dân gian trần thế trong nguyện ước, gửi gắm về một cuộc sống bình an, thịnh vượng, hạnh phúc. Đình làng là không gian tâm linh Việt, người Việt tin Thần Thành hoàng thờ trong đình làng; tin vào sự linh ứng, nhiệm màu, “cầu tất ứng", “cảm tất thông", bảo vệ đất nước, che chở muôn dân, mưa thuận giá hòa, mùa màng bội thu… Đình làng đã trở thành biểu tượng chính thống của văn hóa làng xã và có sức ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống cộng đồng; ảnh hưởng tới các thiết chế tín ngưỡng dân gian khác như: đền thờ, miếu; nghi thức tế tự trong dân gian, phong tục tập quán làng xã… Tính phổ quát, sự ảnh hưởng của tín ngưỡng thờ Thần Thành hoàng trong các tín ngưỡng dân gian thể hiện trên các phương diện: kiến trúc công trình thờ tự, nghi thức thờ tự và tế lễ, đối tượng thờ tự, kiến trúc, văn hóa đời sống cộng đồng… mang tính phổ biến, sâu rộng.

Đình làng được định hình và tồn tại hàng trăm năm qua chính là ở tính giá trị mà nó mang lại thỏa mãn nhu cầu, lợi ích cho đời sống cộng đồng. Sự kết tinh của giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, khoa học, giá trị giáo dục, giá trị đạo đức, nhân văn của văn hóa đình làng đã tạo nên sức mạnh nội sinh của văn hóa dân tộc. Các giá trị văn hóa của đình làng là sản phẩm được kết tinh từ trí tuệ, sự sáng tạo, tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương, làng xóm được cộng đồng lựa chọn, tôn vinh, duy trì, trao truyền và nó trở thành tài sản văn hóa vô giá của cộng đồng người Việt ở Đồng Nai. Thông qua đó, phản ánh được nhận thức, tư duy, hoàn cảnh lịch sử, xã hội, trình độ, thị hiếu thẩm mỹ của từng nhóm dân cư khác nhau ở những làng xã khác nhau trong địa bàn tỉnh. Giá trị văn hóa đình làng không chỉ ở thời điểm, không gian (làng xã) nó xuất hiện mà còn được lan truyền, phổ biến giữa làng này qua làng khác, đình này qua đình khác… ở mỗi giai đoạn lịch sử trải qua.

Đình làng Đồng Nai với các giá trị văn hóa truyền thống đang được cộng đồng làng xã gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ. Những đặc điểm về văn hóa vật thể (kiến trúc, mỹ thuật; các hiện vật bố trí trong không gian thờ tự…); đặc điểm văn hóa phi vật thể (tín ngưỡng thờ Thần Thành hoàng, lễ Kỳ yên, các nghi thức tế tự…) ở từng ngôi đình làng đã góp phần tạo nên sự đa dạng, đặc sắc trong văn hóa đình làng ở Đồng Nai. Trong bối cảnh đô thị hóa hiện nay, đình làng đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức đòi hỏi có sự chung tay của toàn thể cộng đồng, của các chủ thể văn hóa trong nỗ lực chung hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.  


Lê Xuân Hậu
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​