Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
LỄ HỘI ĐỀN THƠ QUỐC TỔ HÙNG VƯƠNG TẠI BIÊN HÒA - ĐỒNG NAI

Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10/3 (âm lịch) hàng năm là lễ hội truyền thống có ý nghĩa hết sức to lớn, một giá trị văn hóa mang vẻ đẹp và sức mạnh trường tồn. Vào ngày này, nhân dân ta từ khắp mọi miền đất nước nô nức đi lễ hội bằng tấm lòng thành kính ý thức tri ân, tự hào về tổ tiên mình. Đó là ngày cả dân tộc đều hướng về đất tổ để tri ân, tưởng nhớ đến công ơn các vua Hùng – những người đã có công xây dựng nên nhà nước Văn Lang cổ đại, nhà nước đầu tiên của quốc gia Việt Nam.
Câu ca dao “Dù ai đi gần đi xa/ Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba mồng mười"; Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba" được lưu truyền từ ngàn đời nay, luôn nhắc nhở mọi người nhớ đến ngày giỗ Tổ thiêng liêng và khẳng định một tập quán không thể thiếu được trong đời sống tinh thần của người Việt Nam.
Với quan niệm sống là tri ân, sống phải biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã cho ta sự sống và lấy đạo thờ cúng tổ tiên, tiền nhân là đạo làm người. Khi chuyển cư vào vùng đất Biên Hòa – Đồng Nai người Việt đều mang theo phong tục tập quán của quê hương mình đến vùng đất mới, sinh sống trên vùng đất mới vẫn luôn nhớ về cội nguồn. Người Việt may mắn hơn nữa khi có chung một Tổ để hướng về, có chung một miền Đất Tổ để nhớ, có chung một đền thờ Tổ để tri ân. Nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ - người con ưu tú của đất Biên Hòa – Đồng Nai đã đại diện cho biết bao thế hệ người nơi đây nói lên cảm xúc của mình về quê hương đất Tổ, thể hiện tấm lòng đối với các Vua Hùng và đối với nhân dân cả nước.

“Ai về Bắc cho ta theo với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng;
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long".

Lễ rước bánh chưng, bánh dầy từ Văn miếu Trấn Biên về Đền Quốc Tổ Hùng Vương (10 tháng 3 Âm lịch) năm 2023.jpg

Lễ rước bánh chưng, bánh dầy từ Văn miếu Trấn Biên về Đền Quốc Tổ Hùng Vương (10 tháng 3 Âm lịch) năm 2023

Những người Việt di cư từ miền Bắc vào Đồng Nai, sống xa quê cha đất Tổ, luôn có ý hướng nhớ về nguồn cội. Năm 1968, nhân dân Biên Hòa đã lập Đền thờ quốc Tổ Hùng Vương (tại khu phố 3, phường Bình Đa) để hướng về đất Tổ. Tuy là đền thờ vọng các vua Hùng nhưng vào ngày 10 tháng 3 (Âm lịch) hàng năm cùng với đồng bào cả nước, các cấp chính quyền và nhân dân thành phố Biên Hòa long trọng tổ chức lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương. Lễ hội diễn ra trong hai ngày mùng 9 và 10 tháng 3 (Âm lịch). Công tác tổ chức hết sức chu đáo và trọng thể với phần lễ và phần hội được sắp xếp đan xen hài hòa tạo nên bầu không khí thân mật và đầm ấm khiến cho mọi con dân về dự ngày giỗ Tổ như đang thực sự trở về họp mặt chung vui dưới một mái nhà.
Phần lễ trong Lễ hội Đền Hùng thường có các lễ chính: Rước bánh chưng, bánh dày, lễ Cáo yết, lễ Tế và lễ Tạ ơn. Trong đó, lễ Tế được tiến hành theo nghi thức truyền thống hết sức trang nghiêm và thành kính. Có Ban nhạc lễ với đầy đủ kèn, trống, nhị, mõ, chiêng...  Các lễ vật dâng lên Quốc Tổ được bày trí công phu và sung túc, bao gồm: Trầu cau,  hương, hoa, rượu, thịt heo quay, xôi trắng, bánh chưng - bánh dày, mâm ngũ quả trang trí theo hình rồng, hình phượng, hình lân... Tất cả đều là thành quả lao động và sự sáng tạo được làm ra từ bàn tay, khối óc của nhân dân mong muốn dâng lên Quốc Tổ bằng tấm lòng tri ân sâu sắc trong ngày giỗ Tổ.
Phần hội với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hết sức sôi động. Các hoạt động hội lễ thường diễn ra một tuần trước ngày lễ chính thu hút được sự tham gia đông đảo quần chúng nhân dân . Một số trò chơi dân gian truyền thống thường xuyên được tổ chức như: chơi cờ tướng; múa Lân – Sư – Rồng; bịt mắt đập niêu; thi gói bánh chưng - bánh dày; thi kết mâm ngũ quả… Bên cạnh đó còn có các chương trình văn nghệ, thi đấu thể dục - thể thao với các môn bóng chuyền, đá cầu, kéo co, nhảy bao bố… Tất cả các trò chơi, các môn thi đấu, Hội thi kể chuyện về các đời Vua Hùng được các trường trên địa bàn thành phố hăng hái tham gia, sau mỗi hội thi Ban tổ chức Hội lễ chấm điểm lựa chọn ra những cá nhân, tập thể, đơn vị xuất sắc để trao giải và vinh danh trong ngày lễ chính. Ý nghĩa nhất trong hội lễ hàng năm là các cuộc thi gói bánh chưng – bánh dày và cuộc thi kết mâm ngũ quả làm lễ vật chính dâng lên Quốc Tổ trong ngày tế lễ. Bởi, đó là lễ vật truyền thống của dân tộc mang đậm dấu ấn truyền thuyết gắn liền với thời kỳ các Vua Hùng dựng nước, được lưu truyền hàng ngàn đời nay. Đó có là biểu tượng, kết tinh của sự lao động và sáng tạo không ngừng của tổ tiên ta lưu truyền cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau.
Lễ hội Đền Hùng ở Biên Hòa- Đồng Nai từ nhiều năm qua có ý nghĩa trong việc giáo dục tinh thần yêu nước thương nòi, giáo dục tinh thần đoàn kết, hỗ trợ nhau trong đời sống và trong sản xuất. Lễ hội cũng chính là dịp để con dân Việt hướng về cội nguồn, một lòng đoàn kết xây dựng quê hương mình ngày một giàu đẹp hơn. Đây cũng là dịp để mọi người có thể gặp gỡ nhau góp phần nuôi dưỡng mối giao cảm, gắn kết cộng đồng cùng bộc lộ tình cảm với quê hương, với đất nước bằng những cảm xúc thiêng liêng và thật lòng. Lễ hội cũng góp phần giáo dục truyền thống văn hóa lịch sử cho nhân dân trong tỉnh, nhất là đối với thế hệ trẻ của hôm nay và mai sau.

 

T.T.N.H.

(Nguồn: VNĐN số 64 – tháng 6, năm 2023)


(Bài viết có tham khảo từ các tài liệu: Bản sắc Dân tộc và Văn hoá Đồng Nai - Huỳnh Tới 1999; Những di tích thờ Vua Hùng ở Việt Nam- Hà Văn Tăng (cb) 2005).


 


TRƯƠNG THỊ NGUYÊN HIỀN
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​