Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
HOA BÚP BÊ TRONG SÂN TRƯỜNG

Có lẽ mùa hè đến sớm nhất không phải qua những tiếng ve hay cơn mưa đột ngột giữa ngày nắng inh ỏi, cũng không phải qua sắc hoa phượng đỏ e ấp, lấp ló trong vòm lá xanh tháng Ba. Mùa hè đến sớm hơn cả qua sắc hồng phơn phớt trên cây me tây, mà tôi thường gọi bằng một cái tên dễ thương, mĩ miều khác: hoa búp bê.
Bất chợt một sáng tháng Hai, từ ô cửa sổ phòng giáo viên lầu 3, tôi bắt gặp những đốm hoa hồng đang vươn lên giữa vòm lá, hứng lấy ánh nắng rực rỡ. Từ đó, những đốm hoa lơ thơ cứ vậy đua nhau bung nở, rộ dần lên vào khoảng tháng Ba, tháng Tư và bắt đầu rơi rụng làm hồng cả một khoảnh sân vào những chiều mưa tháng Năm đến sớm. Khi ấy, tôi biết trời đang chuyển vào hè.
Cơ hồ mỗi ngôi trường đều sẽ có khoảng vài ba cây me tây - loài cây có tán vươn rộng, cho nhiều bóng mát. Cây me tây gợi nhắc trong tôi ký ức về ngôi trường tiểu học ngày xưa xập xệ, cũ kĩ, tường vôi loang lổ, sân đất bụi mù mỗi đợt gió thốc lên. Nhưng nhờ những gốc me tây già hơn tuổi tôi đến vài mươi năm, sân trường luôn rợp mát. Thi thoảng, tôi được chiêm ngưỡng những đợt gió lùa qua, vô vàn lá me rụng xuống, hay có những cơn gió tinh nghịch cuốn lá từ mặt đất bay lên thành vòng, chao lượn trong không trung rồi lại thả mình xuống mặt đất. Những lúc ấy, tôi đã ước mình là chiếc lá để được bay lên theo cơn gió, cười khanh khách.
Thuở nhỏ, tôi hay theo lũ bạn lên trường lao động tưới cây vào mùa hè. Đó là công việc được giáo viên chủ nhiệm phân công vào cuối năm học. Ngôi trường vắng lặng, nằm ngủ yên sau 9 tháng miệt mài cùng lũ học trò nhỏ. Ngôi trường đã chứng kiến không biết bao nhiêu thế hệ đi qua, biết bao nhiêu lứa học sinh từ nơi này lớn lên, bước vào đời bôn ba, chen rấp. Tôi thường đi dọc các hành lang lớp học, liếc vào một ô cửa khép hờ của cậu học trò nào đó quên không đóng lại sau buổi liên hoan cuối năm, ngắm những dãy bàn ghế cũ kĩ, nghe tiếng cót két của lũ mọt đang âm thầm gặm nhấm. Sau đó, lại cùng vài đứa bạn lân la dưới gốc me tây, khi thì chơi nhảy dây, khi thì nhặt những cuống lá me khô, móc hai đầu cuống vào nhau chơi đá gà. Chơi chán, chúng tôi sẽ hè nhau ra khoảnh đất trống phía sau trường, cạnh góc hàng rào sẽ có những bụi táo xe để hái quả. Quả nhỏ như hạt tiêu, đen thui, có vị chua chua. Ăn xong, hàm răng đứa nào cũng có vài đốm đen, là phần vỏ táo dính lại. Lại nhìn, lại trêu nhau.
Nhưng tôi thích nhất là đi tìm những chiếc hoa me tây rụng xuống. Chị tôi từng hỏi: có biết vì sao gọi nó là hoa búp bê không? Tôi lắc đầu. Chị tìm một bông hoa vừa rụng, còn nguyên màu hồng tươi, một tay cầm hoa, tay kia chị thoăn thoắt bẻ những cánh hoa li ti đi, chỉ chừa lại phần ở giữa màu trắng xòe ra. Tay làm, miệng nói: khi ngắt đi những cánh hoa, còn trơ lại phần nhụy. Lúc này chúc bông hoa xuống đất, ngắt bớt cuống hoa, giữ lại chút xíu phần đài hoa. Chị vừa nói dứt câu, tôi đã thấy một nhân dạng nằm giữa lòng tay, phần đầu màu xanh, phần thân như một cô gái mặc váy trắng hồng xòe ra, hai bên có hai cánh tay. Tôi đã hiểu vì sao đó gọi là hoa búp bê. Tôi hỏi xin, chị không cho, nhét vào cuốn sổ tay chép đầy bài hát và hình vẽ mà chị ưa thích. Chị bảo: “Đó là quyển lưu bút của chị". Chị ép hoa búp bê cùng những cánh phượng đỏ thắm như ép cả tuổi học trò trong quyển lưu bút, mân mê. Chị bảo: “Thời học sinh là quãng đời đẹp nhất!".
Tôi không hiểu đời học sinh đẹp như thế nào. Nhưng từ đó, tôi thường canh nhặt hoa rụng để làm búp bê. Tôi không ép vào sổ tay như chị. Tôi thường bỏ chúng vào bao thuốc lá rỗng mà người ta bỏ đi, rồi quên bẵng chúng. Những con búp bê tội nghiệp ấy sẽ héo úa theo thời gian trôi đi.
Suốt một thời tuổi thơ, tôi đã đi tìm hoa búp bê và lãng quên chúng như thế! Cũng như cái cách tôi dần xa và quên lũ bạn thơ ấu của mình.
Tôi theo nghề dạy học ở một ngôi trường xa thành phố, bất chợt gặp lại loài hoa ưa thích của một thời tuổi thơ. Tôi đi nhặt hoa rơi trong cái nhìn ngơ ngác của học trò. Bất giác lòng xao xuyến, tiếng í ới nô đùa, gương mặt của những đứa bạn xưa lần lượt hiển hiện trước mắt. Bạn bè nay đã mỗi người mỗi phương, có đứa bôn ba xứ người chẳng quay về, có đứa bám lại quê hương vui buồn với đời cơ cực. Chúng tôi dần lãng quên nhau! Những năm tháng cùng nhau dưới mái trường như một thước phim đẹp vĩnh viễn chỉ công chiếu một lần trong đời.
Như thước phim tôi nhìn thấy trước mắt lúc này, cũng là thước phim đẹp vĩnh viễn: Dưới tán cây me tây, những đứa học trò của tôi đang vô cùng hạnh phúc trong bộ lễ phục tốt nghiệp, giấy vở tung bay trắng xóa giữa tiếng hò reo. Chúng đâu biết rằng những mùa hè vĩnh viễn đã xếp lại phía sau lưng!

L.H.M
(Nguồn: VNĐN số 64 – tháng 6, năm 2023)​​

LÃ HOÀI MAI
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​