Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
VĂN HÓA NGƯỜI VIỆT MIỀN TRUNG Ở ĐỒNG NAI

Hơn ba thế kỷ hình thành và phát triển, văn hóa Đồng Nai được cấu thành bởi sự cộng sinh văn hóa của nhiều vùng miền, dân tộc khác nhau, trong đó có sự đóng góp của người Việt miền Trung. Người dân vùng Ngũ Quảng đến Đồng Nai từ buổi đầu khai phá lập làng, đến nay cháu con họ đã trở thành người Đồng Nai mang bản sắc văn hóa Nam Bộ. Sau năm 1975, do điều kiện kinh tế cùng với chính sách thu hút lao động, tỉnh Đồng Nai lại tiếp nhận một lượng lớn dân cư từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định đến định cư tập trung tại các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, Long Khánh… Khi đến vùng đất mới, những nhóm dân cư miền Trung vẫn gìn giữ và duy trì nét sinh hoạt văn hóa, lối sống, tính cách đặc trưng của họ.

Vào Đồng Nai, người miền Trung thường tập trung thành từng làng, xóm cùng đồng hương ở những địa bàn có đất đai, thổ nhưỡng phù hợp với lối canh tác, sản xuất truyền thống ở quê cũ. Nhóm dân vùng Quảng Trị, Quảng Bình giỏi làm kinh tế nương rẫy nên thường lựa chọn sinh sống ở các xã Xuân Thọ, Xuân Bắc (Xuân Lộc), Xuân Đường, Thừa Đức, Xuân Mỹ (Cẩm Mỹ)… do nơi đây có điều kiện đất đỏ bazan phì nhiêu, nhiều đồi núi, sông suối thuận tiện cho việc trồng cây công nghiệp ngắn ngày như hồ tiêu, điều, cà phê… Trong khi nhóm gốc Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi giỏi việc làm vườn nên chọn các vùng đất ở các xã Bảo Quang, Bảo Vinh (Long Khánh), Suốt Cát, Lang Minh, Suối Cao (Xuân Lộc)… phát triển kinh tế vườn bằng các loại cây ăn trái như sầu riêng, chôm chôm, bắp… cùng các loại rau như hành, ngò, đậu bắp… Đa phần người miền Trung có tính cách cần cù, chịu thương, chịu khó nên nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống mới và từng bước phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu cho gia đình, xã hội.

1. Bàn thờ của người kinh gốc Quảng Trị taii xã Thừa Đức, Cẩm Mỹ.jpg

Bàn thờ của gia đình người Việt gốc Quảng Trị tại xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ (Nguồn: Minh Trí)

Đặc điểm nổi bật trong tính cách của người miền Trung ở Đồng Nai là sự kế thừa truyền thống được biểu hiện thông qua tính cộng đồng, tính đoàn kết, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống. Đến vùng đất mới, mỗi cộng đồng đều thành lập Hội đồng hương để sinh hoạt và hỗ trợ nhau trong cuộc sống. Tổ chức xã hội truyền thống của người Việt miền Trung có thể thấy ở hai huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ thông qua việc hình thành các Hội đồng hương miền Trung được tổ chức bài bản, đủ các thành phần, ban bệ chăm lo cho các hội viên từ việc tang, việc cưới đến ốm đau, bệnh tật… Các Hội đồng hương hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, các quy định được hội viên thống nhất. Hội đồng hương có ngân quỹ riêng, trong đó dành một phần cho những hội viên nghèo vay vốn làm ăn với lãi suất rất thấp. Hàng năm các Hội đồng hương đều tổ chức sinh hoạt tổng kết khen thưởng vào dịp cuối năm cho những gia đình gương mẫu, các cháu có thành tích học giỏi, sống tốt.

       Cộng đồng người Việt miền Trung đến Đồng Nai sinh cơ lập nghiệp nhưng vẫn gìn giữ và thực hành thường xuyên vốn văn hóa truyền thống của họ. Ở vùng đất mới nhưng phong tục tập quán của người miền Trung không khác cố hương là mấy. Có dịp đến các xã Xuân Tây (Cẩm Mỹ), Suốt Cát, Lang Minh, Bảo Hòa (Xuân Lộc) du khách có cảm giác như đang ở miền Trung. Bởi cách bày trí không gian, kiến trúc nhà cửa, việc thờ tự, cúng giỗ, sinh hoạt hằng ngày… được gìn giữ nguyên vẹn. Người Trung rất xem trọng việc thờ cúng tổ tiên, các lễ tiết trong năm và quy tắc, tập quán ứng xử với cộng đồng.

Văn hóa của người Huế và Quảng Trị đặc trưng nổi bật với việc duy trì giáo dục đạo đức và tín ngưỡng trong gia đình. Người Huế xem trọng việc giáo dục đạo đức, giao tiếp ứng xử đối với các thành viên trong gia đình nhằm bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc. Bên cạnh đó, người Quảng Trị luôn bảo tồn hình thức bài trí không gian thờ tự, nghi lễ cúng giỗ tổ tiên theo truyền thống văn hóa địa phương. Trong ngôi nhà người gốc Quảng Trị thường có nhiều gian thờ, được bố trí như sau: ngoài sân có bàn thờ Thiên, cùng am thờ người thân chết đường, chết chợ; ngay hiên nhà có bàn thờ sút sảy; trong nhà nơi trang trọng nhất đặt nhiều hương án được bố trí rất nghiêm trang, trật tự. Hương án quan trọng nhất là thờ ông bà tổ tiên đặt ở vị trí trung tâm; phía trên cao là khám thờ Phật; hai bên thờ Thần, Phật độ mạng cho gia chủ hoặc người trong gia đình; dưới đất là hương án thờ Thần Tài, Thổ Địa. Hương án thờ tổ tiên được bày trí theo trình tự, lớp lang từ cao đến thấp theo thứ bậc trong gia đình. Đặc biệt lễ nghi cúng tế trong gia đình được người Quảng Trị gìn giữ nguyên vẹn theo các quy tắc truyền thống từ việc bày trí các mâm cúng, lễ vật, văn cúng, nghi bái…

Hàng năm vào tháng mười hai âm lịch, cộng đồng người Quảng Trị, Huế và Quảng Ngãi ở một số địa phương của Đồng Nai vẫn duy trì tục lệ cúng làng. Đây là tập tục xã hội có từ lâu đời, nhằm mục đích cầu mong Trời – Đất, Thần – Phật phổ độ dân làng có cuộc sống an hòa, ấm no, làm ăn phát đạt. Cúng làng là nét văn hóa đặc trưng của cộng đồng người miền Trung song không khép kín, phân biệt địa phương. Người dân trong xóm, không phân biệt nguồn gốc đều có thể tham gia đóng góp và tham dự lễ cúng. Lễ cúng làng được chuẩn bị chu đáo, và được điều hành bởi Ban tế tự do nhân dân trong làng bầu ra. Trưởng ban đại diện Ban tế tự là người am hiểu các nghi thức cúng tế, phụ trách việc tế lễ cho làng; các thành viên trong làng được Ban tế tự phân việc rõ ràng tùy vào sở trường của mình. Thời gian tổ chức thường gọn trong một ngày; hình thức cúng tế gồm ba bàn Thượng, Trung, Hạ - tượng trưng cho trời Phật; đất đai và cô hồn, chiến sĩ trận vong. Lễ vật tùy vào điều kiện kinh tế và sự đóng góp của dân làng, nhưng đơn giản nhất vẫn phải có đầu heo, gà, trầu, cau, rượu trà, mâm cơm, canh, thịt cá… Ở một số địa bàn còn sử dụng văn cúng, văn tế và học trò lễ trong lệ cúng làng…

Cộng đồng người Bình Định ở các xã thuộc huyện Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và thành phố Long Khánh thông qua các Hội đồng hương, mỗi năm luân phiên tổ chức định kỳ lễ hội Tây Sơn nhằm tôn vinh người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ. Đây là lễ hội lớn không chỉ của cộng đồng người Bình Định mà cả địa phương nơi lễ hội được diễn ra. Lễ hội Tây Sơn được tổ chức định kỳ hàng năm vào ngày mồng 5/01 âm lịch (kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa). Lễ hội diễn ra trong một ngày, bắt đầu từ nghi lễ rước kiệu Hoàng đế Quang Trung và đoàn quân Tây Sơn qua các con đường chính của địa phương đến khu vực sân lễ. Sau khai mạc là lễ niệm hương Hoàng đế Quang Trung gồm các nghi xướng lễ - văn tế - dâng hương. Phần hội với các hoạt động tiêu biểu như: thi ẩm thực với các món ăn đặc sản quê hương Bình Định, biểu diễn võ thuật cổ truyền, cùng với đó là các tiết mục văn nghệ dân gian như hát bội, hát bài chòi… Có thể nói, lễ hội Tây Sơn một trong các lễ hội lớn của địa phương, là niềm tự hào dân tộc của người Bình Định, thu hút khá đông các tầng lớp nhân dân tham gia.

Lưu dân Ngũ Quảng trong tiến trình khai mở vùng đất phương Nam, đã mang đến mảnh đất mới này rất nhiều nghề và làng nghề. Xóm nghề thủ công, đóng vai trò tích cực, quan trọng trong nền kinh tế sản xuất hàng hoá cũng như góp phần không nhỏ trong việc tạo nên bản sắc văn hoá độc đáo, đặc thù của người Đồng Nai. Một số nghề vốn từ lâu đã nổi tiếng nhiều nơi và trở thành niềm tự hào của người dân Đồng Nai như nghề nấu mía đường thủ công truyền thống, nghề chằm nón lá ở Thạnh Phú... đều có nguồn gốc từ các lưu dân Quảng Ngãi từ những năm 1945. Khi đến Đồng Nai sinh sống, người dân tiếp tục duy trì và phát triển. Khu vực Dầu Giây và vùng lân cận cũng có rất nhiều nghề thủ công truyền thống của người Huế, Quảng Nam như: nghề làm bánh (bánh nậm, bánh bột lọc – người Huế), nghề làm mì quảng (người Quảng Nam)... Các sản phẩm đặc trưng nơi đây đã trở thành thương hiệu địa phương, thu hút đông đảo du khách gần xa tìm đến thưởng thức.

Bên cạnh tập quán xã hội và lễ hội truyền thống, còn nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa vùng được người Việt miền Trung bảo tồn và phát huy trên quê hương mới. Những di sản văn hóa phi vật thể của người miền Trung góp phần làm cho văn hóa Đồng Nai thêm phong phú và đa dạng.

T. M

(Nguồn: VNĐN số 67 – tháng 9, năm 2023)


TRẦN MINH
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​