Thứ 6 - 26/02/2016
Màu đỏ Màu xanh nước biển Màu vàng Màu xanh lá cây
CHÀO MỪNG 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (1954 - 2024)
“Rực rỡ sắc mai vàng, mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước vươn cao tầm đổi mới; Thắm tươi màu cờ đỏ, chúc Đoàn, chúc Hội, chúc Đồng Nai nỗ lực để thành công" (Dương Thanh)
KHÁT VỌNG NON SÔNG - HỘI THI KỂ CHUYỆN HẤP DẪN VÀ KỲ THÚ

Trong hai ngày 16 và 17/4/2024, Hội thi kể chuyện lịch sử Việt Nam đã được tổ chức tại Công viên văn hóa Biên Hùng (Thành phố Biên Hòa - tỉnh Đồng Nai). Với chủ đề “Khát vọng non sông", hội thi đã giúp học sinh các trường Tiểu học và Trung học cơ sở của Tp. Biên Hòa “nối vòng tay lớn" với lịch sử nước nhà, và có cách tôn vinh các vị anh hùng dân tộc theo cách riêng của các em.

Được thực hiện theo kế hoạch của UBND thành phố Biên Hòa về việc tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2024, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao thành phố phối hợp Thành đoàn Biên Hòa, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tổ chức hội thi kể chuyện lịch sử Việt Nam năm 2024. Sau hơn nửa tháng phát động, có 33 đội tuyển của 33 trường học trên địa bàn Tp. Biên Hòa đăng ký tham gia (gồm 16 trường cấp Tiểu học và 17 trường cấp THCS). Ông Nguyễn Văn Tình - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và và Thể thao Tp. Biên Hòa cho biết: Thông qua hội thi tuyên truyền, Ban tổ chức mong muốn sẽ lan tỏa sâu rộng đến học sinh về truyền thống của quê hương đất nước, ... giáo dục, nâng cao hiểu biết về truyền thống lịch sử, đấu tranh cách mạng của dân tộc. Những mẩu chuyện, tấm gương, công lao to lớn của các anh hùng dân tộc, danh nhân Việt Nam... sẽ giáo dục cho các em tình yêu quê hương đất nước, gia đình, và cả tình yêu đối với sách.


IMG_3176_800_18042024222841.jpg
Tái hiện câu chuyện Mười cô gái Đồng Lộc trong hội thi

IMG_3266_800_.jpg
Một tiết mục múa minh họa tại chương trình

​​

​Đúng vậy, hội thi được tổ chức đúng vào dịp cả nước chào đón lễ giỗ tổ Hùng Vương, và cùng bước vào Ngày  sách và văn hóa đọc Việt Nam 2024. Với chủ đề “Khát vọng non sông", các đội thi sẽ chọn kể chuyện theo sách những câu chuyện về truyền thuyết, sự kiện lịch sử, những nhân vật lịch sử nổi tiếng như các đời vua Hùng, những danh nhân văn hóa như Đức ông Nguyễn Hữu Cảnh, cụ Trịnh Hoài Đức, Trần Thượng Xuyên; hoặc những nhà cách mạng như Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai v.v… Ban tổ chức khuyến khích tinh thần sáng tạo của các đội thi (thông qua Liên đội của các trường), song mỗi phần thi đều phải tuân thủ nghiêm các quy định về nội dung, thời gian, đề tài…

Tại không gian thoáng rộng của công viên văn hóa Biên Hùng, các truyền thuyết lịch sử, các nhân vật anh hùng dân tộc đã được tái hiện, hóa thân trở lại… Mỗi đội tuyển đều có một cách đầu tư riêng cho bài thi của mình, từ nội dung đến hình thức thể hiện, từ trang phục, đạo cụ cho đến hiệu ứng hình ảnh, âm thanh, ánh sáng…

Hầu hết các đội thi đều chọn hình thức sân khấu hóa làm phương tiện kể chuyện, và phương pháp này rất phù hợp, hiệu quả. Kèm theo lời dẫn chuyện, các nhân vật xuất hiện, minh họa cho câu chuyện một cách sinh động, đồng thời cũng rất hồn nhiên, đáng yêu. Có những nữ sinh học lớp 3 như Đặng Tố Như (Trường Tiểu học Phù Đổng), hay Lê Ngọc Bích Huyền (Trường Tiểu học Lê Văn Tám) đã dẫn dắt nội dung bài thi rất diễn cảm, rõ ràng, góp phần thành công cho đôi thi của trường mình. Các tiết mục cũng được phần múa minh họa rất tươi vui, đa dạng của các diễn viên nhí, gây ấn tượng rất đặc biệt cho người xem.

Bằng tình yêu lịch sử, yêu đất nước, con người Việt Nam, các đội thi đã cống hiến hết mình bằng những nỗ lực lớn, bằng những cách biểu đạt thông minh, chân thành, sự hồn nhiên, ngây thơ, bằng tình yêu của bản thân đối với lịch sử nước nhà, và bằng tình đoàn kết, một lòng vì “màu cờ sắc áo" của đội thi của mình. Nhiều đội thi đã mạnh dạn dàn dựng và kể chuyện về những người anh hùng trẻ tuổi như Võ Thị Sáu, Lý Tự Trọng, Nguyễn Thị Minh Khai; một số đội thi xây dựng những bài thi khá hoành tráng khi kể về sự tích Con Rồng cháu Tiên, Phù Đổng Thiên vương, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh v.v… Bằng trí tưởng tượng rất phong phú, các bài thi vừa đảm bảo nội dung tác phẩm, vừa mang những màu sắc bay bổng, đáng yêu của trẻ thơ. Vì vậy, ở góc độ hội thi, tiết mục nào cũng được Ban giám khảo khen ngợi, và có sự thành công nhất định trong chuyển tải câu chuyện lịch sử, và thông điệp giáo dục, văn hóa, thẩm mỹ…


IMG_3294_800_18042024222840.jpg
Câu chuyện Nhật ký Đặng Thùy Trâm

IMG_3302_800_18042024222840.jpg

TS. Lê Quang Cần - Chánh chủ khảo, phát biểu nhận xét về Hội thi


Một trong những yếu tố mang đến thành công của hội thi chính là sự áp dụng công nghệ trình chiếu trong các phần thi. Nhờ Ban tổ chức bố trí một màn ảnh lớn nên các bài thi đều được trình chiếu clip, hình ảnh, thông tin tác giả, tác  phẩm dự thi. Nguồn hình ảnh, thông tin, hoặc các chi tiết trình chiếu đều bắt nguồn từ YouTube, từ phim ảnh tư liệu, hoặc từ sách vở; và đều gắn với nội dung bài thi… Mỗi tiết mục mang một thông điệp riêng, dễ hiểu, dễ tiếp nhận nhờ vào các hiệu ứng hình ảnh, chuyển động riêng, mang cá tính và sự sáng tạo của các bạn nhỏ đang học tập để làm chủ công nghệ, làm chủ thời đại mới.

Hội thi đã thực sự vượt tầm kế hoạch, chương trình do Ban tổ chức đặt ra, nhờ sự sáng tạo trong viết kịch bản, dàn dựng các phần thi, và bằng cả nghệ thuật diễn xuất, kịch bản kịch tính, hấp dẫn. Sự sáng tạo, bay bổng trong hình ảnh minh họa, trong diễn xuất, biểu diễn, trở thành một phần không thể thiếu trong tác phẩm dự thi. Thành viên các đội thi đều còn ở lứa tuổi rất nhỏ, song sự am hiểu tác phẩm, cộng với phong thái tự tin, đĩnh đạc, trưởng thành của các em đều làm cho mọi người tin vào câu chuyện, tin vào ý nghĩa của các tác phẩm. Đồng thời, sự đáng yêu, trong trẻo của các em cũng giúp cho sự lan tỏa tác phẩm càng thêm sâu rộng, có sự hấp dẫn riêng qua cảm nhận và sự trình bày của các em.

Các diễn viên “nhí" là học sinh cấp Tiểu học và cả cấp THCS sử dụng ngôn ngữ hình thể khá tốt, hiện đại; những câu chuyện được kể có nội dung, có cao trào, các nút thắt - mở hấp dẫn. Tuy không tránh khỏi những vụng dại trong diễn đạt, trong biểu diễn, song các em hợp tác với nhau rất nhịp nhàng, dạn dĩ, hòa nhập vào không gian công viên văn hóa Biên Hùng một cách thoải mái, tự tin.

Hội thi đã cũng đã vượt qua tầm vóc của một chương trình học tập kết hợp với vui chơi tại địa phương, do các “nghệ sĩ" hoàn toàn không chuyên nghiệp dàn dựng, biểu diễn, dự thi. Song hội diễn đã thành công ở nhiều mặt, trong đó quy tụ được khá đông các trường tham gia, tạo một sân chơi bổ ích, sôi động trong những ngày hè tháng tư  mang nhiều ý nghĩa lịch sử, đồng thời cũng là ngày hội sách và văn hóa đọc trong khuôn viên văn hóa của tp. Biên Hòa. Hội thi cũng có các em học sinh nhiều kỹ năng mới trong học tập, vui chơi, giúp các em gần lại với nhau hơn.

IMG_3215_800_18042024222840.jpg
IMG_3224_800_18042024222840.jpg

Hai ảnh trên: Chuyện kể về Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có công mở đất phương Nam - giải Nhất khối Tiểu học



Ban tổ chức cho rằng: Những mẩu chuyện, tấm gương, công lao to lớn của các anh hùng dân tộc, danh nhân Việt Nam... tại hội thi sẽ giáo dục cho các em tình yêu quê hương đất nước. Qua đó, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng mạnh dạn tự tin trong giao tiếp, ứng xử, nâng cao nhận thức về văn hóa đọc. Ngoài ra, hội thi còn là hoạt động ngoại khóa giúp rèn luyện cho các em tính tự giác học tập, đoàn kết, giao lưu với các bạn trong trường để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

TS Lê Quang Cần - Cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai, Chánh chủ khảo của hội thi - đại diện Ban giám khảo phát biểu nhận xét về chương trình hội thi. Ông đã  khen ngợi sự cố gắng, sáng tạo của các đội, theo ông, hội thi là một môi trường, một sân chơi bổ ích dành cho lứa tuổi học sinh. Nhiều bài thi nói về lịch sử, con người Đồng Nai đã mang đến sự hấp dẫn, thích thú, và cả sự tự hào về vùng đất mà các thế hệ người Đồng Nai đang sống và góp phần xây dựng, phát triển.

Kết quả, ở khối Tiểu học, đội thi trường Lê Văn Tám đã xuất sắc giành giải Nhất (cùng với 02 giải Nhì, 03 giải Ba và 10 giải Khuyến khích). Ở khối Trung học cơ sở, Trường THCS Hùng Vương cũng chiến thắng một cách ấn tượng, đạt được giải A của hội thi (cùng với 02 giải Nhì, 03 giải Ba và 05 giải Khuyến khích).​


Bài và ảnh: MAI NGUYÊN
Object reference not set to an instance of an object.

Liên kết webiste

Thăm dò ý kiến

Đánh giá về trang thông tin điện tử Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai

 

Số lượt truy cập

Trong ngày:
Tất cả:

HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐỒNG NAI
Địa chỉ: 30 Đường Nguyễn Ái Quốc, P.Tân Tiến, Thành phố Biên Hoà, Đồng Nai
Điện thoại : 02513.822.992; Email: hvhnt@dongnai.gov.vn
Chịu trách nhiệm xuất bản: NSND. Đạo diễn Giang Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai.
Trưởng Ban biên tập: Trần Thu Hằng​​